Thế giới

Con nhà tông…

PN - Kể từ World Cup lần đầu tiên tổ chức tại Uruguay năm 1930 đến nay, dù quy tụ hàng vạn cầu thủ nhưng người ta chỉ có thể tìm thấy vài chục cầu thủ mà bố và con từng có cơ hội dự ít nhất một kỳ World Cup.

Người cha Danny Blind và Daley trên sân của đội Ajax
 

Đó là điều đáng ngạc nhiên, bởi ông bố nào đá bóng giỏi mà không muốn con mình nối nghiệp? Nhưng, vẫn có những ông bố danh tiếng lừng lẫy mà con thì lại chẳng tạo được dấu ấn gì trong sự nghiệp bóng đá. Pele và Maradona là minh chứng rõ rệt nhất.

Nhiều người cho rằng, thành công của đội tuyển Hà Lan tại World Cup 2014 cho đến lúc này là nhờ công của Robben, van Persie, Sneijder… Nhưng các chuyên gia sành sõi lại nhận định, cầu thủ có phong độ ổn định nhất của đội chính là hậu vệ biên Daley Blind.

Daley được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất giải vô địch Hà Lan mùa rồi. Cũng không phải vô cớ mà Daley chơi hay đến thế, anh chính là con của Danny Blind, một trong những hậu vệ xuất sắc nhất bóng đá Hà Lan trong vài thập niên gần đây.

Lần đầu tiên, cha con nhà Blind xuất hiện cùng nhau trước công chúng là trong một show quảng cáo của McDonald’s. Lúc đó Daley mới mười tuổi, Danny đang ở thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp. Ông đang cùng đội tuyển Hà Lan chuẩn bị dự vòng chung kết Euro 2000 và được đánh giá là đội có triển vọng vô địch nhất. Thế nhưng, đội Hà Lan dù thi đấu rất tốt vẫn bị chặn lại tại bán kết bởi đội Ý, sau khi thất bại ở loạt sút luân lưu 11m.

Daley và cha khi CLB Ajax vô địch Hà Lan năm 2012

Cả đời mình, Danny Blind chỉ thi đấu cho Ajax Amsterdam và ông đã truyền được lòng trung thành đó cho con trai. Ngay khi con còn nhỏ, ông luôn tin Daley sẽ hoàn thành được những gì ông làm dang dở. Điều đó đang tiến dần đến hiện thực, bởi trong suốt sự nghiệp Danny chỉ năm lần đoạt chức vô địch Hà Lan, trong khi Daley, dù mới 24 tuổi, nhưng đã bốn lần đăng quang cùng Ajax.

Ở quy mô CLB, chắc chắn Daley thành công hơn cha mình, còn ở đội tuyển quốc gia thì sao? Danny Blind dành cả đời mình chăm chút để Daley có thể đăng quang ở Euro hay World Cup. Người ta thấy Danny mừng đến thế nào khi chứng kiến phong độ của Daley trong bốn trận vừa qua tại Brazil 2014.

Đó là lý do mà dù đang ngồi trên băng ghế kỹ thuật, với vai trò trợ lý của huấn luyện viên (HLV) trưởng Louis van Gaal, Danny vẫn phải bật lên tiếng hét lớn “Con tôi đó!” khi Daley tung đường chuyền chính xác đến từng ly để van Persie ghi bàn. Hành động này không chỉ thể hiện niềm tự hào mà còn cho thấy ước muốn mãnh liệt Danny gửi gắm vào con trai, mong anh đạt được điều ông không thể hoàn thành vào năm 1998.

Lịch sử World Cup còn ghi nhận trường hợp lý thú của cha con nhà Maldini. Người cha Cesare Maldini thất bại khi là tuyển thủ Ý tham dự World Cup 1962, đã luôn cố gắng đào luyện cho Paolo Maldini có thể nâng cao chiếc Cúp vàng World Cup. Đó là điều cả đời ông không làm được khi là cầu thủ cũng như là huấn luyện viên đội tuyển Ý tại France 1998.

Youri Djorkaeff và cha, ông Jean Djorkaeff

Paolo Maldini là một trong những trung vệ xuất sắc nhất thế giới của thế hệ khi ấy, không chỉ trong chuyên môn mà còn ở khía cạnh lịch lãm. Thế nhưng, cũng như cha mình, Maldini chưa bao giờ có vinh dự đăng quang World Cup, dù đã chinh chiến bốn “mùa” World Cup vào các năm 1990, 1994,1998, 2002. Trong tương lai gần, Paolo Maldini vẫn còn cơ hội “rửa hận” cho hai cha con do Liên đoàn bóng đá Ý đã có lời mời anh tham gia ban huấn luyện đội tuyển mới, sau thất bại của ông Cesare Prandelli tại Brazil 2014.

Có rất nhiều cặp cha con đều thất bại khi dự World Cup nhưng vẫn có đến hai người con từng giúp bố mình xóa được nỗi đau này. Đó là Youri Djorkaeff, cầu thủ cùng đội Pháp vô địch World Cup 1998, trong khi cha anh, ông Jean Djorkaeff, thảm bại tại giải này năm 1966 tổ chức ở Anh. Youri đã trở thành cầu thủ đầu tiên làm được điều mà cha mình mãi mãi “ôm hận”. Lần đầu tiên Youri bày tỏ ý muốn đi theo con đường của cha, ông Jean không khuyến khích mà cũng không phản bác. Nhưng, khi đã xác định Youri hoàn toàn hướng đời mình vào bóng đá, ông Jean khẳng định: “Lúc đó tôi hoàn toàn đứng sau con, cung cấp mọi thứ nó cần để phát triển sự nghiệp, dù khi đó Youri còn ở độ tuổi không ai có thể xác định được tương lai. Tôi tin con mình…”.

Ông Jean không bao giờ áp đặt quan điểm riêng về bóng đá với Youri. Ngay cả việc Youri chọn vị trí tiền vệ tấn công như ông ngày xưa cũng chỉ vì anh muốn chứ ông không hề gợi ý. Dẫu sao, ông cũng không giấu vẻ hài lòng trong lần đầu tiên Youri nói với ông điều đó. Ông Jean đã đặt niềm tin đúng chỗ. Nhờ vậy, nước Pháp có đội bóng vô địch và gia đình Djorkaeff có được niềm tự hào vô bờ bến.

Người cha Miguel Ángel Alonso (trái) và người con Xabi Alonso

Mãi 12 năm sau, lịch sử mới lặp lại khi Xabi Alonso cùng đội Tây Ban Nha (TBN) đoạt chức vô địch World Cup 2010 tại Nam Phi. Cha anh là ông Miguel Ángel Alonso từng có mặt trong đội tuyển TBN dự World Cup 1982, tổ chức trên sân nhà. Lúc đó TBN được đánh giá cao nhưng đội Ý lại thi đấu xuất thần với chân sút Paolo Rossi và đã làm được điều bất ngờ.

Chiến thắng của Djorkaeff và Alonso được ghi nhận là đến từ việc hai đội tuyển Pháp và TBN lúc đó đang được các HLV quá tài năng dẫn dắt. Tại Pháp, đó là ông Aimé Jacquet và tại Nam Phi là ông Vicente del Bosque. Nếu không có hai HLV này, có thể các ông Jean Djorkaeff và Miguel Ángel Alonso không còn cơ hội ngắm nhìn chiếc huy chương vàng World Cup trưng bày trong tủ kính nhà con trai mình như bây giờ.

Tại Brazil 2014 này, ông Louis van Gaal được xem là HLV bậc thầy về chiến thuật cũng như cách “điều binh, khiển tướng”. Thế thì tại sao “người Hà Lan bay” không dám hy vọng họ có dịp nhìn Daley Blind nâng cao chiếc cúp vàng, xóa được nỗi đau từ 16 năm trước của bố mình?

 THIỆN NGA

www.phunuonline.com.vn

World Cup, Danny Blind, Dailey Blind, Youri Djorkaeff, Jean Djorkaeff, Xabi Alonso, Miguel Ángel Alonso


© 2021 FAP
  428,622       71/1,416