Thế giới

Ukraine có tránh được nội chiến?

PN - Ukraine bên bờ vực nội chiến - là nhận định đã được đặt ra trong những ngày này, khi cuộc khủng hoảng đã cuốn vào vòng xoáy của nó các cường quốc hàng đầu thế giới, đến giờ vẫn chưa thấy lối ra.

 Người biểu tình thân Nga chiếm giữ tòa nhà chính phủ tại Slavyansk (ảnh: AFP)

Nguy cơ nội chiến càng trở nên rõ ràng hơn, khi đại diện của Nga tại Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), ông Andrei Kelin, hôm 14/4 tuyên bố việc Kiev khởi động một chiến dịch quân sự chống lại người biểu tình ở miền Đông Ukraine có thể dẫn tới cuộc nội chiến tại quốc gia Đông Âu này. Minh chứng cho tình hình trên, nhà ngoại giao Nga nói, trong các cuộc biểu tình đông đảo ở các thành phố miền Đông Ukraine, người ta nhìn thấy có người mang cờ Nga, có người mang cờ Donetsk, nhưng cũng có những người ủng hộ phong trào Maidan đã lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych, lập nên tân chính phủ ở Kiev.

Ngày 14/4, Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksander Turchinov ký sắc lệnh bắt đầu chiến dịch đặc biệt chống phong trào ly khai tại miền Đông nước này. Trước đó, nhà lãnh đạo Ukraine đã ra “tối hậu thư” buộc các phần tử thân Nga giao nộp vũ khí, rời khỏi các tòa nhà họ chiếm đóng tại các thành phố miền Đông trước 6g sáng ngày 14/4 (giờ GMT). Sắc lệnh “Về các biện pháp cấp bách để ngăn chặn nguy cơ khủng bố và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine” có hiệu lực ngay trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối chính quyền lâm thời Ukraine tiếp tục leo thang, người biểu tình không những phớt lờ “tối hậu thư” của Kiev mà còn đưa ra yêu sách mới về việc “liên bang hóa” đất nước.

 Người biểu tình thân Nga chiếm giữ tòa nhà chính phủ tại Slavyansk (ảnh: AFP)

Trong lúc đại diện đảng đối lập và các ứng cử viên tổng thống Ukraine đều kêu gọi Tổng thống tạm quyền Turchinov không sử dụng vũ lực, thì khoảng 300 người Kiev trang bị gậy gộc và đeo mặt nạ đã xuống đường yêu cầu chính quyền phải có hành động mạnh mẽ, ổn định tình hình tại miền Đông, cụ thể là ban bố tình trạng khẩn cấp, tổng động viên quân đội. Phản ứng của Kiev được coi là “quá mềm yếu” và Tổng thống tạm quyền Turchinov phải hứng chịu sự chỉ trích gay gắt từ những kẻ “diều hâu” trong chính giới và dân chúng.

Ukraine có thể sa vào một cuộc nội chiến? Hoàn toàn có thể, khi Kiev, được Mỹ và EU hậu thuẫn, không lùi bước trước phong trào ly khai của những người thân Nga ở miền Đông Ukraine. Cuộc nội chiến đã rất gần khi tàu chiến Mỹ đi vào Biển Đen, hàng chục ngàn quân Nga cũng áp sát biên giới Ukraine. Nga và Mỹ không ngừng đổ lỗi cho nhau đã tung điệp viên kích động tình trạng căng thẳng ở Ukraine.

Cuộc khủng hoảng Ukraine khiến nội bộ Kiev chia rẽ sâu sắc, khi lữ đoàn dù số 25 của Ukraine quay sang ủng hộ người biểu tình thân Nga. Trước đó, chỉ huy lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Alfa của Ukraine từ chối tuân lệnh chính quyền Kiev tấn công các tòa nhà bị người dân địa phương chiếm giữ tại Donetsk và Lugansk.

Tàu chiến Mỹ USS Donald Cook xuất hiện tại Biển Đen (ảnh: US Navy)

Tình hình Ukraine tuy rất bấp bênh, nhưng thật ra cũng không dễ bùng nổ thành nội chiến. Lãnh đạo các cường quốc Anh, Pháp và Đức ngày 14/4 đã điện đàm, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tìm giải pháp tháo ngòi căng thẳng. Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama sử dụng “tất cả công cụ hiện có” để ngăn chặn nguy cơ đổ máu ở Ukraine. Trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo, ông Putin và ông Obama đã thảo luận nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc khủng hoảng Ukraine. Hai bên nhất trí tiếp tục các nỗ lực nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao để giải quyết bế tắc hiện tại trước khi bắt đầu cuộc họp bốn bên sắp tới - gồm EU, Nga, Mỹ và Ukraine - dự kiến vào ngày 17/4 ở Geneva (Thụy Sĩ).

CẨM HÀ (Theo ITAR-TASS, VOR, Reuters)

www.phunuonline.com.vn

Ukraine, Nga, Mỹ, Biển Đen, USS Donald Cook, Slavyansk


© 2021 FAP
  464,356       7/1,147