Thế giới

Cuộc khủng hoảng kim chi

PN - . Món kim chi nổi tiếng của Hàn Quốc từ lâu đã vượt ra ngoài lãnh thổ đất nước này, có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Kimjang đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm ngoái

Kim chi, món ăn truyền thống của Hàn Quốc, đang mất khả năng cạnh tranh ngay chính quê nhà 

Theo Viện Thế giới kim chi, xuất khẩu kim chi của Hàn Quốc đạt 89,2 triệu USD năm 2013, giảm 16% so với năm trước, nhưng nhập khẩu kim chi – chủ yếu từ Trung Quốc - tăng gần 6%, lên 117,4 triệu USD, dẫn đến khoản thâm hụt thương mại 28 triệu USD. Có 98% lượng kim chi nhập khẩu vào Hàn Quốc đến từ Trung Quốc. Nhiều người dân Hàn xem đây là một cái ung nhọt đánh vào lòng tự hào dân tộc, vốn “mưng mủ” từ sự mất cân bằng thương mại lần đầu tiên vào năm 2006.

“Thật xấu hổ khi phải nói kim chi của chúng tôi đến từ Trung Quốc” - Kwon Seung- hee, một giáo viên hướng dẫn du khách cách làm kim chi tại nhà hàng của cô ở Seoul cho biết. “Tôi có thể nói thẳng, kim chi Trung Quốc giá rẻ hơn so với nội địa, nhưng mùi vị không ngon như kim chi được làm trong nước”.

Cuộc khủng hoảng kim chi bùng lên khi cơ quan y tế phát hiện trong rau cải làm kim chi của Trung Quốc có chứa… trứng ký sinh trùng và quá nhiều chì. Chính phủ và người dân Hàn Quốc bắt đầu chú ý nâng cao nhận thức về giá trị thực sự của kim chi “nội địa”. Lòng tự hào dân tộc trỗi dậy. Một làn sóng tẩy chay kim chi nhập khẩu từ Trung Quốc manh nha. Nhiều người dân không chọn mua kim chi Trung Quốc trong các siêu thị, dù giá rẻ hơn so với các thương hiệu trong nước. Lee Yong -jik, người phụ trách lĩnh vực kim chi của Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho biết, chính phủ cũng xem xét buộc chủ nhà hàng phải công khai nguồn gốc các thành phần trong kim chi để không phục vụ kim chi Trung Quốc cho thực khách.

Kim chi đang trong cuộc khủng hoảng khi nhập khẩu đã vượt xuất khẩu trong những năm qua

Giông bão quanh kim chi xứ Hàn vẫn chưa dừng lại, một phần do Trung Quốc đẩy mạnh tiếp thị. Nhật Bản, thị trường nhập khẩu kim chi lớn thứ hai trên thế giới sau Hàn Quốc, đã giảm nhập khẩu kim chi Hàn Quốc, xuống còn 66 triệu USD năm 2013, so với 84 triệu USD năm 2012. Điều này kéo giá trị xuất khẩu kim chi tổng thể của Hàn Quốc xuống gần 17% năm 2013, làm tồi tệ thêm thâm hụt thương mại. Trong khi đó, Trung Quốc “chặn” luôn các nhà xuất khẩu kim chi Hàn Quốc vào thị trường của mình.

Phần khác, giới trẻ Hàn Quốc có xu hướng ít quan tâm đến món ăn truyền thống cũng khiến việc tiêu thụ kim chi giảm dần sau mỗi năm. Tiến sĩ Park Chae - lin thuộc Viện Thế giới kim chi, cho biết, mọi người có xu hướng ăn những thức ăn ít muối và đa dạng hơn, gồm rất nhiều thực phẩm phương Tây.

Thâm hụt thương mại, cùng với sức tiêu thụ kim chi giảm, đã được một chính trị gia Hàn Quốc cay đắng ví von là thử thách “khắc nghiệt như mùa đông Hàn Quốc”.

Để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng, đặc biệt là sau chiến thắng trong cuộc vận động đưa kimjang trở thành di sản thế giới, chính phủ Hàn Quốc nỗ lực đưa kim chi ra thị trường quốc tế như một cách đảm bảo tương lai lâu dài cho món ăn truyền thống này. Năm 2013, ẩm thực Hàn Quốc lọt vào “top 10 xu hướng ẩm thực” do tạp chí Forbes bình chọn.

 AN KHUÊ (Theo Guardian, Quartz)

www.phunuonline.com.vn

Cuộc khủng hoảng kim chi, Hàn Quốc, Trung Quốc, nhập khẩu, xuất khẩu, thâm hụt thương mại


© 2021 FAP
  475,821       8/860