Thế giới

Tết của tuổi thơ tôi

PNO - Tuổi thơ ai cũng trông ngóng, cũng háo hức chờ Tết đến thật nhanh. Với tôi ngày ấy, mỗi dịp Tết, tôi chỉ mong nhận được vài hào tiền mừng tuổi của người lớn, để được mẹ may cho áo mới,

 Trên con đê hàng ngày chăn trâu quen thuộc vậy mà ngày tết chúng tôi chạy xe bon bon, mà lòng cứ ngỡ mình đang đi đâu đó xa lắm, cảm giác lâng lâng xen lẫn tự hào... Chỉ ngần ấy thôi, Tết của tuổi thơ luôn sống động trong ký ức một cách thiêng liêng. Bây giờ, xa quê hương lại nhớ nôn nao, cảm giác nghẹn ngào như bóp nghẹt tim tôi mỗi khi đón giao thừa.

Món dồi lợn trong ký ức của người viết (ảnh: www.amthuc365.vn)

Chả hiểu Tết có từ bao giờ nhưng từ khi biết mong đợi đến nay cũng đã trên 40 năm rồi. Càng đi xa, những ngày giáp Tết càng nhớ quê da diết. Muốn được sum vầy cùng gia đình bữa tiệc tất niên, và nhất định phải có món lòng và dồi lợn. Ở quê, Tết đến là nhà nhà đăng ký mổ lợn rồi gọi người ăn chung chứ không đi chợ mua như bây giờ. Lợn dù to hay nhỏ cũng nhận được đầy đủ tất cả bộ phận kể cả món nước luộc thịt hay còn gọi là nước "xuýt".

Từ ngày nhà tôi chuyển về thành phố, cứ đến tầm 29 hoặc 30 tết mẹ mới cắp rổ ra chợ mua những thứ cần nấu các món cho ba ngày tết. Lúc đó mới thấm thía là làm người thành thị lại thiếu rất nhiều món ăn quen thuộc của...hồn quê. Nhớ món chả bọc hay còn gọi là chả lưới mà sinh thời bố tôi vẫn thường làm rồi đem nướng trên bếp than hồng. Nghĩ đến mùi thơm ngậy của bao nhiêu món ăn, càng nhớ những lúc quấn quít trong bếp để phụ giúp bố mẹ làm cỗ Tết.

Bánh tẻ làng Chờ (ảnh: Internet)

Những năm bố tôi dạy học xa không kịp về sớm, ở nhà mẹ phải làm tất các phần việc đáng lý ra của đàn ông. Mấy chị em chúng tôi dù có biết thương mẹ cũng chỉ giúp được mấy việc nhẹ nhàng. Đứa thì trèo cây chặt củi, đứa thì đem nồi xoong ra hồ cọ rửa, đứa vào rừng chặt những cành cây tươi như bưởi bung, núc nác, ba thưa và nhất là chằm gửi cây dọc đem về đốt cùng với các loại vỏ lạc, vỏ bưởi, chã vừng, lõi ngô... và một số cây có vị đắng khác nữa để mẹ lấy gio ngâm nước làm bánh tẻ. Nước ấy gọi là nước nẳng làm bánh mới ngon, bánh mới dẻo mềm, khi ăn không bị nồng vôi... Giờ nghĩ lại mà thèm kinh khủng!

Chúc Tết bà (ảnh: Internet)

Tết thưở tiền hào ấy mà lại vui, cứ đến mùng hai, các cô chú, em của bố từ thành phố kéo nhau cả đoàn về quê chúc tết thì thế nào cũng được tiền mừng tuổi, mỗi cô chú chỉ mừng một hai hào là cùng. Duy có cô út đi Nga về, kinh tế khá hơn nên chị em chúng tôi bao giờ cũng được mừng 5 hào tiền giấy mới cóong, đứa nào cũng mân mê sung sướng nhưng chả dám tiêu vào việc gì vì tiếc.

Được lì xì (ảnh minh họa: Dân Trí)

Những ngày Tết vui chơi bọn trẻ chúng tôi thường rủ nhau đi chụp ảnh kỷ niệm nhưng tiền chụp một "bô" ảnh lúc ấy giá tận hai nghìn đồng, tiền mừng tuổi tích cóp mới được hơn mười hào. Mơ ước mãi hình như năm học lớp 4 tôi cũng chụp được một kiểu ảnh đen trắng làm kỷ niệm nhưng khi lớn lên đã bị một tay trộm lấy đi cả hòm quần áo trong đó có tấm ảnh duy nhất mà tôi nâng niu cất kỹ.

Nhà có ba chị em gái, tôi là chị lớn, việc gì cũng đến tay nhưng miếng ăn thì phải nhường nhịn cho hai em. Tết năm nào mẹ cũng may quần áo mới cho ba chị em cùng một mảnh vải nên nhìn chúng tôi giống nhau như đúc. Tôi chẳng nhỉnh hơn em “ tẹo” nào thậm chí càng nhiều tuổi em càng lớn hơn tôi. Vì thế hai chị em gái thỉnh thoảng lại “ chí chóe” vì mặc nhầm quần áo của nhau và giành nhau cái đẹp, cái lành hơn. Mỗi lần như thế là mẹ lại phạt tôi chứ không phạt em.

Bây giờ mỗi lần về nước tôi thường mua cho các em mấy cây bút, viết không phai trong nước để ghi tên vào đồ đạc và áo quần của các cháu, nhằm tránh bị nhầm lẫn.

Giờ đây, sống xa quê hương, tôi lạii "gặm nhấm" thưở Tết tiền hào, Tết của tuổi thơ tôi, và chẳng thể nào quên mùi vị của những món ăn, về những lần bóc hành làm dưa cay mắt, về buổi theo mẹ chen chúc đi đò qua sông sắm Tết dù sợ mà vui...

NGUYỄN TUYẾT MAI (Từ Nhật Bản)

www.phunuonline.com.vn

tiền hào, tuổi thơ, quê nhà, viết không phai, bánh tẻ


© 2021 FAP
  495,029       1/973