PNCN - 1. Tôi biết anh chị qua một bạn văn. Năm 1971, anh du học, gặp, yêu và cưới chị Elena Pucillo, một cô gái Ý xinh đẹp. Hôm anh chị đến làm việc tại NXB Văn hóa - Văn nghệ,
Khi được hỏi tiếp: “Hai cháu bao nhiêu tuổi?”. Anh chị cùng tranh nhau nói: “Đứa lớn đã hơn sáu chục, đứa nhỏ ít hơn năm tuổi…”. Rồi khi được hỏi: “Anh chị có buồn không khi không có con?”. Không một khoảng lặng nào cả, anh nói ngay: “Chúng tôi có những đứa con tinh thần!”, và tiếp lời chồng, chị nói bằng tiếng Việt: “Và chúng tôi luôn có nhau!”.
Nhìn ánh mắt nồng nàn anh chị dành cho nhau, tôi cảm nhận được tình yêu của họ vẫn trẻ trung, tươi mới, điều không dễ dàng giữ được sau hơn bốn mươi năm với bao nỗi thăng trầm. Để có được hạnh phúc vững bền, anh chị đã biết chọn lựa và cũng đã biết khước từ. Anh từ bỏ công việc kiếm khá nhiều tiền trong một tập đoàn dược phẩm, nghề mà anh được đào tạo, để chọn một công việc mà mình thích, dành nhiều thời gian cho việc dịch tác phẩm văn học từ tiếng Ý sang tiếng Việt, sáng tác văn học, và đặc biệt là dành nhiều thời gian cho vợ. Chị cũng vậy, từ bỏ công việc ở ngành kinh tế, chị dành thời gian nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ và văn học, thích thú với việc dạy tiếng Ý cho người Việt tại quê chồng. Chị còn đảm luôn nhiệm vụ của cô dâu trưởng khi quyết định cùng chồng sống quãng đời hưu trí tại TP.HCM, vừa phụng dưỡng mẹ già, vừa cũng như chồng, sáng tác văn chương. Chị viết tản văn, viết truyện ngắn, viết về văn hóa Việt. Nhiều sáng tác bằng tiếng Ý của chị được anh dịch sang tiếng Việt, được đăng rải rác trên các báo, tạp chí. Cái tên Elena Pucillo Trương ít nhiều đã thu hút sự chú ý của người đọc.
2. Tôi cũng có một chị bạn dù chưa lần nào nói là “bạn thân” nhưng trong tình cảm, dường như đã là tri âm, bởi có những điều không thể nói với ruột thịt hay những người gặp mặt hàng ngày nhưng lại dễ dàng “trút cạn bầu tâm sự” ngay cả khi cả hai đều không nhìn thấy mặt nhau. Đó là nhà văn Lý Lan. Chị có chồng khi tuổi đã ngoài bốn mươi. Chồng chị là Mart Stewrt, một giáo sư sử học người Mỹ. Trong những lần trở về thăm cha, thăm em, thăm quê nhà, Lý Lan và nhóm đàn bà từng chơi với nhau, sau khi ăn uống, trò chuyện, thường rủ một chị quen, chị ta có biết ít nhiều việc xem chỉ tay, xem cho từng đứa. Những điều mà “bà thầy bói” cao giọng “phán” cả nhóm cùng nghe, cùng tếu táo trêu chọc nhau. Tuy nhiên, đằng sau trò vui đó, đôi lúc vẫn le lói tia hy vọng rất đàn bà từ những câu hỏi chỉ có ở đàn bà.
Có lần Lý Lan xòe bàn tay cho “bà thầy bói” xem và hỏi: “Bà xem xem tui với ông xã tui có đứa con nào với nhau không?”. Và những lần trở về đó, tôi lờ mờ đọc được tâm trạng vẫn còn chênh vênh của bạn. Định cư hay không định cư tại quê chồng? Bởi, hơn ai hết, chị luôn cảm nhận “lợi thế nổi bật nhất của một nhà văn vẫn là được sống trong môi trường ngôn ngữ mẹ đẻ, hay ngôn ngữ sáng tác của mình”. Rồi, những năm sau này, thay vào hy vọng chờ đợi một đứa con là hy vọng về sức khỏe của chồng, chị mong anh ấy vượt qua được căn bệnh đang gặp phải. Lần về gần đây nhất, Lý Lan cho biết sức khỏe ông xã đang phục hồi tốt do phát hiện bệnh kịp thời nhưng phải được chăm sóc thật kỹ. Giờ thì việc định cư tại quê chồng đã là hẳn nhiên. Chị sống thanh thản bên chồng, chăm sóc chồng, lau chùi nhà cửa, cơm nước, giặt giũ, làm bánh mứt, trồng rau, trồng hoa. Mart không viết văn nhưng anh ấy hiểu vợ, tôn trọng ký ức và công việc sáng tác của vợ. Anh còn tạo cho vợ nhiều cơ hội để chu du khắp châu Âu và viết.
3. Và để được luôn có nhau, với một người đàn bà Ý lấy người đàn ông Việt làm chồng và một người đàn ông Mỹ lấy người đàn bà Việt làm vợ, ngoài tình yêu thương họ dành cho nhau, còn là sự nỗ lực không ngừng để thấu hiểu được nhau, đặc biệt là hồn cốt của nền văn hóa đã cưu mang chồng hay vợ mình.
Bích Ngân