(PCWorldVN) Hội thảo 'Vai trò của truyền thông trong phát triển khoa học và công nghệ khu vực phía Nam' vừa được tổ chức tại TP.Vũng Tàu vào hôm 6/11.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ sự kiện Trình diễn và kết nối cung – cầu công nghệ khu vực Nam Bộ mà Sở KHCN TP.HCM tham dự.
Thực tiễn cho thấy, báo chí có vai trò quan trọng trong hoạt động tuyên truyền, thông tin định hướng về KHCN. Tuy nhiên, công tác truyền thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển quan trọng của KHCN và cũng chưa được quan tâm nhìn nhận đúng mức. Hoạt động truyền thông KHCN hiện còn nhiều hạn chế, là điểm yếu nhất trong tổng thể hoạt động KHCN.
Theo TS. Bùi Văn Quyền - Giám đốc Văn phòng chương trình Tây Nam Bộ, cái chính của truyền thông KHCN là làm sao chuyển khoa học chuyên ngành thành phổ biến kiến thức. Cái khó của truyền thông KHCN không chỉ ở tính đặc thù của ngành mà còn do yếu tố con người và ý chí làm việc này là rất quan trọng. Cần xác định truyền thông KHCN như một dạng marketing và làm bài bản như cách marketing một sản phẩm hàng hóa ra thị trường.
Nguồn tri thức khoa học lớn nhất là từ các viện nghiên cứu, trường đại học nhưng thông tin vẫn còn khép kín trong phạm vi viện, trường. Thực tế, hoạt động truyền thông KHCN của các viện, trường đang ở mức rất thấp kể cả số lượng thông tin, lực lượng thực hiện và đầu tư kinh phí. Các viện, trường chưa thực sự coi đây là kênh thông tin giới thiệu và quảng bá cho đơn vị mình cả trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Viện, trường đang trong tình trạng có sản phẩm kể cả sản phẩm hữu hình và vô hình nhưng chưa biết cách giới thiệu rộng rãi, chưa biết làm thế nào để nắm bắt nhu cầu thị trường đối với loại tài sản trí tuệ có giá trị cao của mình.
TS. Bùi Văn Quyền phát biểu tại hội thảo. |
Theo nhà báo Phạm Quốc Toàn - Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo, KHCN có mặt ở mọi nơi, mọi lĩnh vực của đời sống và truyền thông KHCN cũng rất quan trọng, tuy nhiên truyền thông lĩnh vực này tương đối khó do những đặc thù như tính phức tạp, đòi hỏi tính chính xác cao, thông tin khô khan, không dồi dào, kém hấp dẫn,…
"Để có một bài báo, một bản tin KHCN hay, sinh động, hấp dẫn lôi cuốn đã rất khó, nhưng tác phẩm này cũng thường khó đăng và khi được đăng cũng không nhiều hiệu quả. Bên cạnh đó, bản thân những người có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí về KHCN cũng còn hạn chế. Các nhà khoa học thì thường không thích giới thiệu, không muốn viết những kết quả mình đã làm. Tiếp cận nguồn thông tin đã khó, khi tiếp cận được thì những báo cáo khoa học khô khan cũng rất khó chuyển tải thành các tác phẩm báo chí đại chúng. Do vậy, người viết báo về KHCN phải chịu nhiều thiệt thòi, khó tìm được người đam mê nghiên cứu sâu về lĩnh vực này", nhà báo Toàn chia sẻ.
Một thực trạng nữa là đội ngũ phóng viên viết về KHCN và các cơ quan báo chí về KHCN cũng mỏng, số lượng tạp chí KHCN được in không nhiều, manh mún, thiếu sức sống, tính lan tỏa xã hội và hiệu quả xã hội không cao. Việc in các tạp chí khá khó khăn song chủ yếu để tặng, phát hành trong ngành nên cũng thiếu tính lôi cuốn, hấp dẫn. Mặt khác, việc tổ chức mạng lưới cộng tác viên báo chí là nhà khoa học chưa tốt. Cộng tác viên giỏi khoa học nhưng không giỏi viết báo, người làm báo tốt thì kiến thức KHCN chưa tốt, chính sách cho truyền thông KHCN chưa được quan tâm nên mức độ hấp dẫn làm nghề hạn chế,…
Cũng theo ông Toàn, chúng ta cần nâng cao tính chuyên nghiệp của báo chí về KHCN; và để tăng cường tính chuyên nghiệp, cần phải quan tâm chăm lo đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho các nhà báo, nhất là các nhà báo viết về KHCN; quan tâm tổ chức mạng lưới, hỗ trợ về bồi dưỡng nghiệp vụ làm báo cho đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ làm công tác quản lý lĩnh vực KHCN. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo năng lực quản lý báo chí, kiến thức nghiệp vụ báo chí cho những người đứng đầu các cơ quan báo chí về KHCN; hỗ trợ đưa báo và tạp chí về KHCN đến các đối tượng bạn đọc cần thiết; Bộ KHCN, các Sở KHCN, các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh cung cấp thông tin về các hoạt động thường xuyên của lĩnh vực KHCN, những kế hoạch, chiến lược phát triển, tăng cường hoạt động đối thoại với báo chí,…
Các ý kiến khác tại hội thảo cũng tập trung đề xuất lãnh đạo trung ương, địa phương quan tâm hỗ trợ tạo cơ chế chính sách, kinh phí, nhân lực cho truyền thông KHCN. Ví dụ chính sách truyền thông phải tạo động lực để cộng tác viên là nhà khoa học viết báo, đăng những tác phẩm có sức lan tỏa. Việc tổ chức giải báo chí về KHCN cũng cần phải tính toán sao cho hấp dẫn, huy động được đông đảo lực lượng nhà báo tham gia. Hiện nay, các chuyên trang, chuyên mục KHCN ở báo chí địa phương đã hình thành nhưng bộ phận truyền thông của các Sở KHCN còn mỏng nên phối hợp chưa tốt. Cần đầu tư chế độ chính sách để tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa nhà báo với nhà báo, nhà báo với cơ quan quản lý, nhà báo với nhà khoa học,… Thực tế có rất nhiều vấn đề phải phấn đấu, giải quyết về lâu dài, mang tính xã hội, song có những vấn đề trực tiếp liên quan yếu tố con người thì cần phải tính toán giải quyết ngay để phát triển truyền thông KHCN.
TS. Nguyễn Xuân Toàn - Giám đốc Trung tâm truyền thông khoa học và công nghệ (CESTC), Bộ KHCN cho biết, những năm gần đây, mỗi năm đều có nhiều sự kiện KHCN nổi bật như Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), Hội nghị giao ban vùng, Ngày KHCN Việt Nam 18/5, Lễ trao giải thưởng chất lượng quốc gia và giải thưởng chất lượng quốc tế châu Á – Thái Bình Dương, Hội nghị Trung tâm Ứng dụng KHCN các tỉnh thành, Hoạt động trình diễn và kết nối cung cầu công nghệ,… Hoạt động truyền thông các sự kiện này đã được quan tâm, huy động được lực lượng nhà báo viết về KHCN, góp phần đưa ra công chúng nhiều hoạt động phong phú đa dạng của KHCN từ trung ương đến địa phương. Qua đó cho thấy, truyền thông KHCN đã bước đầu đạt những kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của công chúng và xã hội về vai trò và tác động của KHCN; tôn vinh các thành tựu KHCN, các tập, cá nhân tiêu biểu trong nghiên cứu ứng dụng tại các địa phương, thúc đẩy nghiên cứu chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng.
khoa học công nghệ, Sở KHCN TPHCM, truyền thông