(PCWorldVN) Các chuyên gia và nhà khoa học tham dự Hội nghị quốc tế 'Ứng dụng của Internet of Things cho đô thị thông minh và chất lượng cuộc sống' đã đề xuất nhiều giải pháp, khuyến nghị gửi đến cơ quan quản lý Nhà nước nhằm thúc đẩy hơn nữa việc triển khai và ứng dụng IoT tại Việt Nam.
Ngày 13/11, trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế với chủ đề Ứng dụng của Internet of Things cho đô thị thông minh và chất lượng cuộc sống diễn ra tại Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP), các ứng dụng IoT trong thực tế, xu hướng công nghệ và thị trường của IoT, khởi nghiệp cùng IoT cùng khuyến nghị của chuyên gia về phát triển trên nền tảng IoT tiếp tục được các nhà khoa học và các chuyên gia trao đổi.
IoT tại Việt Nam
Tại Việt Nam, IoT đã được ứng dụng từ lâu dưới các hình thức tự động hóa như hệ thống điều khiển đèn giao thông, hệ thống tưới tiêu tự động …, tuy nhiên chỉ đến năm 2015 thì khái niệm Internet of Things (IoT) mới được nhắc đến nhiều thông qua các hội thảo, hội nghị về xu hướng công nghệ của Cisco, Intel, Hội Tin học TP.HCM và một số công ty trong nước như MobiFone, DTT, Sao Bắc Đẩu.
Trước đó, IBM có chiến dịch Hành tinh thông minh hơn nhấn mạnh vào các thành phố thông minh hơn, trong đó Đà Nẵng được chọn thực hiện thí điểm này từ năm 2012-2013.
![]() |
Ông Nguyễn Thế Trung có những khuyến nghị chiến lược rất đáng chú ý về IoT. |
Tuy vậy, hiện chưa có ứng dụng IoT thực sự nào ảnh hưởng mạnh tới đời sống xã hội trong nước. Với giao thông đô thị thông minh, trong thời gian tới một số ứng dụng như thu phí không dừng, phạt nguội bằng camera dự báo sẽ phổ biến tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội. Các lĩnh vực tiềm năng như y tế điện tử, nông nghiệp thông minh, bất động sản thông minh sẽ cần thêm thời gian để có những ứng dụng IoT phù hợp với Việt Nam.
Trong công nghiệp nội địa, sản phẩm IoT của doanh nghiệp trong nước hiện chỉ đếm được trên đầu ngón tay như: sản phẩm chip vi mạch của Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch - ICDREC; hệ thống cảm ứng độ ẩm, nhiệt độ trong nông nghiệp của công ty Mimosa tại hệ sinh thái Khởi nghiệp Công nghệ - Khu công nghệ Phần mềm Đại học Quốc gia TP.HCM; chương trình TUHOC STEM và các dịch vụ trên nền OEP (http://openegovplatform.org/) của công ty DTT (trụ sở chính tại Hà Nội).
Các hệ thống IoT tại Việt Nam hiện có đều là của các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước mới chỉ tập trung vào các ứng dụng trên nền tảng điện thoại di động, máy tính và còn chưa khai thác hết tính thông minh của các hệ thống cảm biến hay khai thác dữ liệu big data. Và đặc biệt các thiết bị phần cứng thì hầu hết là nhập khẩu như camera, thiết bị RFID, các cảm biến hóa học.
![]() |
Mô hình hệ sinh thái CNTT-TT. |
Theo mô hình hệ sinh thái CNTT-TT, ngành công nghiệp CNTT tại Việt Nam ở lớp 1 (các nhà cung cấp thành phần cho các hạ tầng truyền thông) có các tên tuổi hàng đầu như Cisco, Huawei, HP, Dell….
Ở lớp 2, những doanh nghiệp vận hành hạ tầng truyền thông của Việt Nam như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT đã và đang làm tốt. Như vậy, cơ hội cho các start-up công nghệ, các doanh nghiệp CNTT muốn tham gia thị trường IoT sẽ còn ở lớp 3, gồm các nhà cung ứng nền tảng, ứng dụng, nội dung.
Giải pháp IoT không chỉ là phần mềm, phần cứng tiêu chuẩn (máy tính, điện thoại) mà còn là các phần cứng đặc thù như camera, RFID, cảm biến môi trường... Có thể thấy, các hệ thống này liên quan tới các ngành vật liệu, hóa học, sinh học, vật lý, y tế và đây là cơ hội cho các ngành khoa học công nghệ tại Việt Nam phối hợp để làm ra những ứng dụng hữu ích.
Nền tảng mở và chiến lược phát triển IoT
Trong phiên thảo luận về nền tảng cho phát triển IoT của Hội nghị, xu hướng nguồn mở trong sự phát triển của IoT thế giới và Việt Nam được thể hiện rõ trong các bài trình bày “Một kiến trúc mở cho việc phát triển nhà tự động” của TS. Phạm Hoàng Anh, Đại học Bách Khoa TP.HCM; “Công nghệ mã nguồn mở, sự tự do phát triển: Nhà Thông minh, Thành phố Thông minh” của ông Pau Ceano, Công ty Vector 3 S.A và “Nền tảng mở cho IoT - Open IoT platfrom – IOP” của ông Nguyễn Thế Trung, Công ty cổ phần công nghệ DTT.
Tại Hội nghị, tập đoàn FPT đã mang đến nhiều giải pháp công nghệ như giao thông thông minh, nhà thông minh, robot hỗ trợ gia đình... Ngoài ra, FPT cũng đã giới thiệu chương trình 10.000 kỹ sư cầu nối đến các đại biểu tham dự Hội nghị. Bên cạnh việc giới thiệu các giải pháp công nghệ liên quan đến IoT, đại diện của FPT cũng đã trình bày về xu hướng và triển vọng của những ứng dụng IoT trong tương lai. Đại diện FPT cho biết đơn vị này đã và đang nghiên cứu một số giải pháp về IoT như thành phố thông minh, giao thông thông minh (các hệ thống quản lý cơ bản như hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông, hệ thống quản lý container, bảng hiệu thông báo, nhận dạng biển số tự động...), trung tâm điều khiển thiết bị gia đình, xây dựng nền tảng cung cấp dịch vụ/giải pháp cho IoT... |
Trong phần trình bày của mình, dựa trên thực tế đã triển khai dịch vụ tư vấn chiến lược, kiến trúc tổng thể CNTT, giải pháp CNTT cho giáo dục, y tế, giao thông vận tải và văn hóa theo mô hình PPP (hợp tác công tư) cùng và quá trình tham gia xây dựng chuẩn nguồn mở OIC cùng thế giới, phát triển cộng đồng OIP tại Việt Nam, ông Nguyễn Thế Trung - Giám đốc công ty cổ phần công nghệ DTT - đưa ra 3 khuyến nghị đối với Việt Nam để phát triển IoT.
Cụ thể, đó là (1) trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo IoT, (2) tạo ra hệ sinh thái sáng tạo mở, và (3) xây dựng lợi thế cạnh tranh trong một số lĩnh vực quan trọng và đặc thù như nông nghiệp, quốc phòng.
Ông Nguyễn Thế Trung đề nghị Chính phủ khởi tạo một hệ sinh thái sáng tạo hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) và doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua hợp tác với các đối tác toàn cầu để định chuẩn. Thông qua các vườn ươm công nghệ, Chính phủ có chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp của khu vực và thế giới tham gia, tận dụng thế mạnh của nguồn nhân lực và chi phí sản xuất tại Việt Nam.
Với hệ sinh thái sáng tạo mở, nếu Chính phủ tạo định chế hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua việc tạo nền tảng nguồn mở dựa trên phần cứng và phần mềm nguồn mở và mở hóa các dữ liệu công và nêu ra các nhu cầu của xã hội, thì doanh nghiệp khởi nghiệp có thể nhanh chóng tạo ra các ứng dụng linh hoạt và phù hợp với nhu cầu xã hội.
Và để xây dựng lợi thế cạnh tranh, Chính phủ cũng không thể thiếu trong vai trò tạo ra một số dự án tiên phong để nâng cao năng lực cho các DNVVN để tạo ra sức cạnh tranh trên thị trường nội địa, cũng như hướng tới thị trường quốc tế.
Mục tiêu khuyến nghị nói trên, theo như ông Trung kỳ vọng, là để Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng IoT hướng tới doanh thu 10 tỷ USD vào 2020 và trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo IoT của khu vực.
Liên minh | Thành viên | Các thành viên chính |
AllSeen Alliance | 160+ | |
OIC | 80+ | Intel, GE, MediaTek, Samsung, Dell, Hewlett-Packard, Lenovo |
Thread | 160+ | Google (Nest), Samsung, ARM Holdings |
IIC | 170+ | GE, Cisco, IBM, Intel, AT&T, Microsoft, Samsung, Huawei |
IEEE P2413 | 25 | GE, Qualcomm, Cisco, Intel, STMicroelectronics, Huawei |
1. Hệ thống camera giám sát thông minh 2. Hệ thống cảm biến ánh sáng và nhiệt độ nhằm theo dõi môi trường xung quanh tòa nhà để điều khiển kính, rèm, đèn, điều hòa 3. Hệ thống thẻ thông minh tích hợp, tốt nhất là thẻ không dây, không dừng. 4. Hệ thống quản lý thang máy thông minh và khóa cửa thông minh 5. Hệ thống quản lý căn hộ thông minh để chủ nhà theo dõi và điều khiển qua Internet. 6. Hệ thống theo dõi giám sát nguồn nước với các cảm biến đủ đo 36 chỉ tiêu nước sạch hay hệ thống giám sát nước thải thông minh đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường 7. Hệ thống quản lý bến bãi đỗ xe 8. Hệ thống theo dõi trẻ em, theo dõi sức khỏe người già .... |
đô thị thông minh, giao thông thông minh, internet of things, IoT, smart city, thành phố thông minh