Sức khỏe

Giúp người già 'qua ải' nắng nóng

PN - Theo Cơ quan quản lý thiên tai Nhật Bản, trong tuần qua đã có hơn 3.000 người phải nhập viện, 4 người thiệt mạng vì nắng nóng. Hơn một nửa số người nhập viện trên 65 tuổi. Trong số 4 người chết, có một cụ già 92 tuổi đột quỵ vì nhiệt độ quá cao tại Tokyo

Người Nhật mệt mỏi vì nắng nóng - Ảnh: Kyodo

Trong khi đó, người dân Trung Quốc cũng phải đối phó với cái nóng khốc liệt nhất trong năm, nhiệt độ nhiều nơi đạt mức 40 độ C. Nắng nóng không chỉ hoành hành ở các nước châu Á mà hiện còn là nỗi ám ảnh của người dân phương Tây vốn từ lâu đã quen khí hậu ôn đới. Nhiệt độ cao, nắng nóng là tác nhân gây ảnh hưởng tồi tệ đến sức khỏe mọi người, nhất là với người cao tuổi.

Tuần đầu tiên của tháng Bảy được xác nhận là tuần nắng nóng kỷ lục ở nhiều quốc gia châu Âu. Nhiệt độ cao nhất ở một số nơi lên đến 42 độ C, mức vô cùng bất thường so với khu vực thời tiết lạnh ở Pháp, Anh, Bỉ, Italia, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... Các cơ quan chức năng đã cảnh báo người dân, đặc biệt là người già cẩn trọng bảo vệ sức khỏe trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa hè.

Người già dễ gặp rủi ro sức khỏe trong mùa nắng nóng - Ảnh: Getty Images

Các nhà nghiên cứu ở Anh dự đoán từ nay đến năm 2050, tỷ lệ người chết vì nắng nóng trong mùa hè mỗi năm sẽ tăng lên 257%. Người già là đối tượng chịu nhiều rủi ro nhất. Trong đợt nắng nóng năm 2003 ở châu Âu đỉnh điểm kéo dài trong 20 ngày, 70.000 người đã chết vì những căn bệnh liên quan đến hiện tượng này. Phần lớn trong số đó là người cao tuổi. Con số người cao tuổi ở châu Âu ước tính sẽ ngày càng tăng và vì thế, việc chăm lo cho họ càng phức tạp. Các chuyên gia y tế thuộc Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) từng công bố khảo sát chỉ ra, cơ thể người cao tuổi phản ứng rất kém trước sự thay đổi nhiệt độ. Nhất là trong mùa nắng nóng, họ dễ bị mất nước và mắc các chứng bệnh liên quan.

Nguy hiểm nhất là mất nước và chất điện giải. Nhiệt độ càng cao, cơ thể tiết nhiều mồ hôi càng dễ mất nước. Ở người cao tuổi, khả năng tự điều chỉnh và cân bằng với môi trường là rất khó khăn. Họ thường mất cảm giác (vì khả năng đề kháng kém đi, hoạt động của các cơ quan như thận, tim mạch không còn nhạy bén) nên không chủ động thấy cần nạp thêm nước. Hậu quả khi cơ thể thiếu nước là chức năng chuyển hóa của toàn bộ cơ thể bị đình trệ. Nếu thiếu chất điện giải, cơ thể sẽ co giật, rối loạn nhịp tim, ngưng tin và xấu nhất là tử vong. Chuyển biến càng đột ngột hơn trong điều kiện thay đổi nhiệt độ quá chênh lệch, từ nơi quá nóng sang nơi quá lạnh (thường ở phòng có máy điều hòa).

Hai cụ già ở Anh giải nhiệt cùng kem - Ảnh: Corbis

Say nắng và say nóng cũng là hiện tượng phổ biến, dễ gặp ở người cao tuổi và gây ra đột tử đối với nhiều trường hợp. Say nóng thường gặp vào buổi xế chiều, có nhiều tia hồng ngoại, còn say nắng hay gặp vào lúc giữa trưa, khi trời nắng gay gắt, có nhiều tia tử ngoại gây nóng bức. Say nắng thường nặng hơn say nóng, có thể gây tử vong hoặc dẫn đến các biến chứng não. Say nắng đặc biệt nguy hiểm với người già vì đối tượng dễ tấn công là những người bị xơ vữa động mạch mà phần lớn bệnh nhân là người cao tuổi.

Mùa hè, nhiệt độ cao còn gây ra bệnh đường hô hấp nghiêm trọng ở người già vốn có tỷ lệ không nhỏ mang trong người bệnh viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản hoặc hen suyễn. Thay đổi điều kiện nhiệt độ từ nóng sang lạnh nhờ máy điều hóa sẽ khiến những chứng bệnh trên xuất hiện lại. Rối loạn tiêu hóa cũng là mối lo khi trời oi bức. Đồ ăn dễ ôi thiu, bị nhiễm khuẩn và nếu người già bị ngộ độc thực phẩm thì khả năng phục hồi càng chậm hơn, cơ thể dễ mất sức vì suy kiệt. Cơ thể người già rất dễ bị tổn thương và phải mất rất lâu mới có thể cân bằng lại.

Say nắng ở người già vô cùng nguy hiểm - Ảnh: news.com.au

Với những người mắc chứng Alzheimer, Lou Gehrig (xơ cứng teo cơ một bên), Parkinson hoặc có chứng bệnh nào khác thì rủi ro xảy ra với sức khỏe càng cao. Cơ thể của những đối tượng này thường nhận thức kém và trí nhớ cũng suy yếu hơn so với người bình thường. Não bộ của họ không kịp xử lý thông tin để báo về cơ thể tình hình thời tiết. Vì thế, họ sẽ trở nên thụ động trong việc tự chăm sóc bản thân, không biết trang bị những vật dụng, trang phục cần thiết cho mình. Những người này luôn cần có người bên cạnh chăm sóc cho họ.

Nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người cao tuổi, các nước cũng đã có biện pháp can thiệp. Ở Pháp, các địa điểm công cộng có gắn máy điều hòa như thư viện, khu mua sắm, rạp chiếu phim mở cửa đón người dân đến nghỉ chân tạm, tránh nắng nóng. Ngoài ra, chính quyền cũng cung cấp dịch vụ người già yêu cầu nhân viên xã hội giúp đỡ thông qua các cuộc điện thoại thăm chừng hoặc trực tiếp đến hỏi han. Các nước khác cũng có động thái tương tự, kèm theo đó là không ngừng nhắc nhở người dân bổ sung nước, chú ý theo dõi sức khỏe, tránh suy kiệt vì nắng nóng.

Nhiệt độ cao ở Ấn Độ khiến nhiều người cao tuổi kiệt sức - Ảnh: Common Dreams

Mùa hè này, châu Á cũng hứng chịu đợt nắng nóng chết người với nhiệt độ cao nhất ở một số nơi lên đến 48 độ C. Ấn Độ và Pakistan là hai nước thiệt hại về người nhiều nhất trong đợt nắng nóng gần đây. Hơn 2.000 người Ấn Độ và hàng trăm người thiệt mạng, đa số là người già và trẻ nhỏ. Các chuyên gia cho biết, nhiệt độ mùa hè ở mọi nơi trên thế giới sẽ ngày càng tăng vì biến đổi khí hậu. Chuẩn bị kỹ và có ý thức bảo vệ sức khỏe mới giúp mỗi người, nhất là người cao tuổi vượt qua được thời điểm khắc nghiệt này.

ANH THÔNG
(Theo Guardian, Watchers, IOL, Kinston)

www.phunuonline.com.vn

nắng nóng, Ấn Độ, Nhật Bản, đột quỵ


© 2021 FAP
  389,594       1/446