Sức khỏe

Bức tranh ảm đạm về sức khỏe của con người

PN - Bản báo cáo khoa học “Bảo vệ sức khỏe loài người trong kỉ Nhân sinh” trên tạp chí y học The Lancet mới đây cho biết tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt đến mức chưa từng thấy

 

Tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt và biến đổi khí hậu là mối đe dọa trầm trọng nhất đối với sức khỏe con người. Ảnh internet

Mở đầu bằng cách tiếp cận tình trạng công nghiệp hóa ồ ạt diễn ra khắp thế giới, báo cáo nhấn mạnh, chính từ đây mà các hoạt động của con người đang làm thay đổi mạnh mẽ môi trường trên Trái Đất. Ông Samuel Myers, một trong những nhà khoa học của Đại học Havard kiêm tác giả báo cáo chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên cộng đồng sức khỏe thế giới lên tiếng cảnh báo, con người đang bị đe dọa bởi những tác động xấu do chính họ đã gây ra cho thiên nhiên và nguồn sống của mình”.

Để chứng minh, Myers cùng các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu (cũng đã được đăng trên The Lancet) về số lượng loài ong và các loài thụ phấn trung gian trên thế giới hiện đang giảm mạnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Thực trạng đó đã tác động xấu đến số lượng và chất lượng của nhiều loại hoa màu phụ thuộc vào phương thức thụ phấn để duy trì nòi giống. Trong khi đó, các loài thụ phấn trung gian lại đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình sản xuất thực phẩm toàn cầu (chiếm 35%) và trực tiếp cung cấp đến 40% lượng vi chất, đặc biệt là vitamin A và folate. Cả hai chất này đều là những dưỡng chất vô cùng thiết yếu cho phụ nữ có thai và trẻ em.

Lượng ong giảm mạnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến số lượng và chất lượng các lại thực phẩm thiết yếu 

Theo các nhà khoa học, nếu lượng sinh vật thụ phấn trung gian không còn sẽ khiến cho khoảng 250 triệu người bị thiếu vitamin A và thiếu hụt folate trầm trọng. Điều này có nghĩa tỉ lệ người bị bệnh tim, đột quỵ và ung thư tăng cao, dẫn đến sẽ có thêm 1,4 triệu người chết do bệnh tật mỗi năm. Hiện các nhà khoa học vẫn đang tranh luận về nguyên nhân chính xác khiến lượng sinh vật thụ phấn trung gian đang hẹp dần. Song họ luôn đồng ý rằng những nguyên nhân như ô nhiễm môi trường, thuốc trừ sâu, thuốc khử côn trùng, môi trường sống bị xâm hại… đều liên quan đến hoạt động của con người.

Một công trình nghiên cứu khác về sự tác động của nồng độ CO2 trong không khí ảnh hưởng tiêu cực đến lượng kẽm có trong các cây lương thực như lúa mì, gạo, barley (đại mạch) và đậu nành cũng cho kết quả ảm đạm về sức khỏe con người. Hiện nay, gần 20% dân số thế giới bị thiếu kẽm. Thiếu kẽm dễ gây chứng dậy thì sớm, chậm lớn và khó tăng cân ở trẻ. Không những vậy, thiếu kẽm còn làm suy yếu hệ miễn dịch. Đến năm 2050, các nhà khoa học ước tính, nếu lượng CO2 phóng thích ra khí quyển vượt quá giới hạn, có thể sẽ khiến thêm 150 triệu người bị đe dọa về sức khỏe.

BÁCH CÁT

(Theo AFP)

www.phunuonline.com.vn

nghiên cứu khoa học, cảnh báo, sức khỏe, phá hủy môi trường, môi trường sống, ô nhiễm


© 2021 FAP
  389,587       1/455