Tiêu dùng

'Cơn sốt' hạt mắc ca

PN - “Cơn sốt” mắc ca không chỉ tác động tới nông dân vùng Tây Nguyên. Hiện rất nhiều người tiêu dùng tìm mua loại hạt này khiến giá sản phẩm (SP) “nhảy múa”.

Nhập nhằng nguồn gốc

Trước đây, tìm mua hạt mắc ca không dễ vì số lượng điểm bán khá hạn chế. Gần đây, không chỉ dễ dàng mua SP này tại cửa hàng chuyên kinh doanh các loại hạt mà người tiêu dùng còn có thể mua ở các chợ lẻ. Giá hạt mắc ca phụ thuộc phần lớn vào nguồn gốc, chẳng hạn mắc ca Trung Quốc, từ 240.000-340.000đ/kg còn nguyên vỏ; mắc ca trồng trong nước 300.000-350.000đ/kg, riêng mắc ca nhập từ Úc chủ yếu dạng nhân, đóng bịch với giá bán lẻ từ 980.000-1.000.000đ/kg...

Hầu hết hạt mắc ca tại các chợ được bán dưới dạng còn nguyên vỏ, hoặc nứt vỏ, chỉ số ít SP ở dạng nhân. Theo một số người bán, không ít khách hàng bỏ mức tiền cao để mua mắc ca Úc, nhưng mua phải hàng Trung Quốc, dù các SP "giả dạng" này đã tăng giá khá mạnh để người mua không nghi ngờ.

Trong vai khách du lịch muốn mua mắc ca được đóng bịch sẵn để làm quà tặng, chúng tôi được nhân viên sạp hàng Hồng Trúc, chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM) giới thiệu hạt đã được làm nứt vỏ, đóng trong bao ni lông loại 0,5kg/bịch, giá khá rẻ, chỉ 240.000đ/kg. Nhãn mác trên bao bì được ghi bằng tiếng Trung và tiếng Anh. Mỗi bịch mắc ca kèm theo hai miếng kim loại dùng để tách vỏ. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều điểm bán không đóng hạt thành bịch mà chứa trong những bao lớn, giá 300.000-350.000đ/kg. Rất nhiều chủ hàng giới thiệu SP nhập khẩu từ Úc, tuy nhiên, không hề có bất cứ giấy tờ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu.

Một số đầu mối chuyên kinh doanh hạt mắc ca nhập từ Úc cho biết, hàng nhập từ Úc hầu hết là dạng nhân. Hàng nguyên vỏ hiện chủ yếu nhập từ Trung Quốc hoặc từ các tỉnh Tây Nguyên.

Nhân viên tại một cửa hàng đang so sánh hạt mắc ca Trung Quốc với mắc ca nhập từ Úc

Mắc ca đang bị “thổi” giá

Anh Quyền, đầu mối kinh doanh mắc ca tại Lâm Đồng cho biết, hiện đã vào vụ thu hoạch mắc ca tại các tỉnh Tây Nguyên. Hàng thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Dù liên tục “cháy hàng” nhưng chính đầu mối này thừa nhận giá hạt mắc ca đang bị “thổi” quá mức, có lẽ do thời gian gần đây, tác dụng của loại hạt này được “ca tụng lên mây”, tốt cho sức khỏe, chữa bá bệnh…

Theo nhân viên bán hàng tại cửa hàng chuyên kinh doanh các loại hạt HT Shop (333 Nguyễn Văn Công, Q.Tân Bình), hạt mắc ca Trung Quốc bán dưới dạng nguyên vỏ hoặc nứt vỏ nên người mua sẽ rất khó biết chất lượng nhân ra sao. Với mắc ca Úc đã bóc vỏ, dù giá đắt nhưng khách hàng có thể biết ngay được chất lượng.

Anh Hoàng, nhân viên quản lý kinh doanh tại Vip food (194 Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Phú Nhuận) cho biết, chất lượng sẽ quyết định giá bán. Khách hàng mua lẻ loại hạt này về sử dụng sẽ khó cảm nhận được sự khác biệt. Doanh nghiệp chế biến thực phẩm có sử dụng hạt mắc ca làm nguyên liệu thường yêu cầu nhà cung cấp xuất trình giấy kiểm định chỉ số hàm lượng dinh dưỡng. Sở dĩ hạt mắc ca nhập từ Úc có giá cao vì phân loại rõ ràng, chất lượng hạt đồng đều, trong khi trên thị trường, mắc ca Trung Quốc và trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu này. “Công ty đã lấy mẫu mắc ca trong nước trồng tại các tỉnh Tây Nguyên đem ra nước ngoài kiểm định, kết quả: chỉ số về giá trị dinh dưỡng hiện chỉ mới đạt khoảng 60-70% so với SP cùng loại nhập từ Úc nên nguồn nguyên liệu mắc ca trong nước hiện vẫn chưa thể thay thế được SP nhập khẩu...”, anh Hoàng cho hay.

Ông Đặng Hoàng Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam cho hay, gần đây hạt mắc ca được nhắc tới quá nhiều, ca tụng quá mức khiến giá mặt hàng này tăng nhanh chóng, dễ gây hiều lầm cho người trồng và người tiêu dùng. Thực tế theo ông Giang, các chỉ số dinh dưỡng trong hạt mắc ca không chênh lệch nhiều so với hạt điều, thậm chí nhiều chỉ số còn thấp hơn. Chi phí để chế biến hạt mắc ca cao hơn hạt điều cũng là nguyên nhân khiến giá mắc ca cao chứ không phải do lợi ích nhiều hơn cho người sử dụng.

 THƯ HÙNG

Nhận biết nguồn gốc hạt mắc ca

Theo kinh nghiệm của một số đầu mối nhập khẩu, kinh doanh chế biến hạt mắc ca, dựa vào một số đặc trưng cơ bản, khách hàng có thể lựa chọn được mắc ca đúng nguồn gốc. Chẳng hạn, mắc ca nhập khẩu từ Úc thường đã sơ chế, tách bỏ vỏ chỉ còn nhân trắng, hạt đồng đều, đóng bao bì, có nhãn mác, thông tin nhà sản xuất tại Úc. Mắc ca Trung Quốc vỏ thường khô, cứng do đã được hút bớt lớp dầu và sần sùi trên bề mặt hạt.

Nhằm hạn chế rủi ro cho các tổ chức, cá nhân trồng cây mắc ca, mới đây Bộ NN-PTNT có văn bản thông báo gửi UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn nông dân trồng mắc ca tại những nơi khảo nghiệm thành công hoặc có điều kiện tương tự, không triển khai trồng trên quy mô lớn trong khu vực chưa được trồng khảo nghiệm. Các địa phương cần tăng cường quản lý chặt chẽ giống, cơ sở sản xuất giống. Chỉ cho phép trồng các cây mắc ca được nhân giống vô tính từ các dòng đã được công nhận, có năng suất, chất lượng đảm bảo.

www.phunuonline.com.vn

hạt mắc ca, nông dân Tây Nguyên


© 2021 FAP
  227,145       1/754