Tiêu dùng

Basiroh: Sống như tên mình

PN - Cả cuộc đời mình, từ khi cha còn sống đến khi ông mất và bây giờ, chị Basiroh luôn không chỉ sống như ước vọng của cha mà còn giúp đỡ được cho rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn

Chị Basiroh đang chuẩn bị một món ăn truyền thống Malaysia

Khi đặt tên cho cô con gái út là Basiroh, người cha mong muốn rằng con sẽ “luôn làm vui lòng người khác” như ý nghĩa của cái tên này trong tiếng Chăm. Cả cuộc đời mình, từ khi cha còn sống đến khi ông mất và bây giờ, chị Basiroh luôn không chỉ sống như ước vọng của cha mà còn giúp đỡ được cho rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn; tạo dấu ấn thương hiệu “Basiroh chất lượng” trong lòng du khách khi đến Việt Nam.

Vang danh xứ người

Nằm trên con phố Nguyễn An Ninh (Q.1, TP.HCM), cửa Tây chợ Bến Thành, nhà hàng Basiroh, chuyên thực phẩm Halal (thực phẩm được giết mổ theo nghi thức của đạo Hồi) cho người theo đạo Hồi, liên tục có khách ra vào ăn uống. Những thực khách dù ngồi theo đoàn, theo đôi hay cá nhân đều trông rất hân hoan và ăn uống ngon miệng. Bà chủ quán, trong trang phục của người theo đạo Hồi tương tự như khách hàng, dáng người đẫy đà, khuôn mặt phúc hậu với nụ cười luôn nở trên môi, xởi lởi chăm sóc khách hàng.

Thỉnh thoảng, bà lại sang cửa hàng thời trang dành cho người Hồi giáo cũng mang tên Basiroh ở đối diện bên kia đường. Khách hàng ở đây còn có phần thân thiết với bà chủ hơn. “Tay bắt mặt mừng”, họ cười cười nói nói với nhau lúc bằng tiếng Malaysia, lúc khác lại bằng tiếng Anh. Bà chính là Ustazah Hjh. Basiroh Hj. Aly, người đầu tiên mở cửa hàng thời trang và mở quán ăn cho người theo đạo Hồi trên con đường được mệnh danh là “phố Malaysia ở Sài Gòn” này.

Gõ từ khóa Basiroh Việt Nam vào thanh tìm kiếm của google, tôi không khỏi bất ngờ khi thấy thông tin và hình ảnh của chị xuất hiện trên rất nhiều tạp chí danh tiếng ở Malaysia, trên các trang mạng uy tín về du lịch, ẩm thực như Tripadvisor… Nhiều hơn hẳn là trong các blog cá nhân của du khách Hồi giáo, những người đã từng đến TP.HCM.

Chị Basiroh (đứng) tại nhà hàng của mình

Hai tạp chí hàng đầu dành cho phụ nữ ở Malaysia là Jelita và Kosmo (phiên bản của tạp chí Cosmopolitan) đã dành đến hai trang để nói về cửa hàng thời trang Basiroh và bà chủ của nó. Họ đã không tiếc lời khen ngợi sản phẩm ở đây, kiểu như “Telekung (bộ đồ mặc khi hành lễ của người Hồi giáo) chất lượng cao Basiroh”, “Telekung Việt Nam phổ biến ở Malaysia” hay “hàng chất lượng độc quyền Basiroh”.

IntanWan, một du khách người Malaysia nhấn mạnh “Restaurant Basiroh là một địa điểm mà những người theo đạo Hồi cần ghé để thưởng thức món ăn”. Bạn Grace1973 (Malaysia) vừa du lịch đến TP.HCM vào tháng 12/2014, nhận xét: “Giá món ăn ở nhà hàng Basiroh không những rẻ hơn những nhà hàng Halal khác ở Việt Nam, thức ăn lại rất ngon và được phục vụ nhanh chóng”. Đến thăm TP.HCM vào đầu năm 2013 nhưng khi ngồi viết lại nhật ký về chuyến đi, cô Wawa Yuni vẫn như “cảm thấy được vị ngon của bát phở Việt Nam ăn tại nhà hàng Basiroh. Phở bò Việt Nam thực sự là món tuyệt nhất”.

Sự tình cờ đã được chuẩn bị

Nhìn lại hành trình khởi nghiệp, dù chị khiêm tốn cho rằng tất cả đến như một sự tình cờ, may mắn, song bằng những việc chị làm, tôi hiểu rằng chị đã phải dày công, nỗ lực rất nhiều.

Bà chủ vui tính của nhà hàng Basiroh

Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, chị Basiroh làm việc cho một công ty nghiên cứu thị trường của Anh. Lúc đó, một số đối tác người Malaysia đến làm việc, gặp chị là người theo đạo Hồi, họ rất mừng nên nhờ chị đưa đi mua đồ làm quà, đặc biệt là Telekung. Tìm mãi mới thấy có một quầy trong thương xá Tax bán dạng đồ này nhưng cũng không đa dạng mẫu. Từ đó, “tôi chợt nghĩ, tại sao mình lại không làm quần áo bán cho người Hồi giáo? Nghĩ là làm, tôi nhờ một số người bạn đi Malaysia mua về vài cái khăn trùm đầu và bộ đồ lễ. Sau giờ làm việc, tôi tự nghiên cứu, mày mò để sản phẩm đa dạng cả về chất liệu, kiểu dáng và mẫu thêu. Thời đó, khách Malaysia vẫn chưa nhiều, đồng thời vì không có vốn nên tôi tự đi tìm vải và may từng bộ từng bộ với số lượng hạn chế, chủ yếu bán tại nhà cho những người quen biết và qua truyền miệng”, chị nhớ lại.

Sau đó, người Malaysia sang Việt Nam làm ăn, du lịch ngày càng tăng, nhiều người muốn mua đồ của chị nhưng ngại đến nhà vì địa chỉ khó tìm. Khi đó, chị quyết định nghỉ việc ở công ty, thuê mặt bằng trên đường Nguyễn An Ninh để mở cửa hàng. Một mình chị tự đi chọn vải, tìm thợ may, thợ thêu, vẽ mẫu thêu. Trang phục của người Hồi giáo không được phép đa dạng về kiểu dáng nên chỉ có thể tạo điểm nhấn, sự khác biệt bằng các mẫu thêu hoặc đính thêm phụ kiện.

Đồ của chị được nhiều khách hàng Malaysia yêu thích vì chất liệu tốt, kiểu dáng hoa văn, họa tiết mẫu thêu đa dạng mà giá cả rất hợp lý.

Món ăn truyền thống Malaysia Ku gèng do chị Basiroh thực hiện

Trong thời gian bán, khi khách đến vào đúng giờ cơm, chị thường mời họ cùng dùng bữa. Ai cũng tấm tắc khen chị nấu ăn ngon và đề nghị “Basiroh nấu ăn ngon vậy sao không mở quán ăn đi. Sang đây tìm quán ăn Halal khó quá!”. Chị nghĩ cũng hợp lý và kết quả là quán ăn đầu tiên cho người Hồi giáo được mở ra, cũng trên con đường Nguyễn An Ninh.

Tuy nhiên, mọi việc không dễ dàng. Chị nói: “Cùng theo đạo Hồi nhưng khẩu vị người Chăm khác với người Malaysia. Món ăn người Chăm cũng không giống với món Malaysia. Họ ăn lạt nhưng rất cay. Cách nêm nếm của tôi lại khá đậm đà”. Thế là chị lên mạng tìm kiếm món ăn Malaysia, kết hợp thêm những góp ý của khách rồi tự biến tấu theo cách của mình chứ không rập khuôn. Đến nay, thực đơn của nhà hàng Basiroh có gần 100 món. Đặc biệt, thực đơn cũng có rất nhiều món thuần Việt như phở bò, canh chua cá lóc, cá kho tộ, rau muống xào, giá xào hẹ, tàu hũ xào sả ớt…

Trọn nghĩa, vẹn tình

Bươn chải với đủ thứ nghề để nuôi con, cha mẹ chị ước mong con cái được làm việc trong các văn phòng, công sở nên luôn tạo mọi điều kiện cho con đi học, đặc biệt là cô gái út Basiroh. Thời bé, sống ở An Giang, cha mẹ đi làm ăn xa, sau giờ học, ba chị em gái hết đi mót lúa lại đương lưới, thêu khăn, thêu tigai (một loại khăn trang trí của người Chăm) kiếm thêm thu nhập. Sau ngày đất nước thống nhất, khi cả nhà chuyển lên Sài Gòn, chị liền xin đi học đánh máy và tiếng Anh. Điều này hợp với ý nguyện nên ba chị ủng hộ ngay.

“Mình nhớ, hồi đó ba bị bệnh tim, người khá yếu nên thường nằm trên chiếc ghế đặt trước nhà. Mỗi lần mình đi học về, ba liền hỏi thăm và bảo mình dạy lại cho ba. Hai cha con cùng nhau học tiếng Anh vui vẻ như chơi trò chơi. Song song đó, tôi lại học tiếng Malaysia từ cha của mình. Cũng nhờ vậy mà bây giờ mình sử dụng thành thục bốn thứ tiếng Chăm, Việt, Malaysia và tiếng Anh” - buồn vui lẫn lộn, chị nhớ lại những kỷ niệm xưa. Suốt câu chuyện, chị luôn nói về cha với niềm kính yêu vô hạn.

Vì sức ba đã yếu nên chị vừa học vừa phụ mẹ đi bán vải ở các tỉnh. Thời đó, người Chăm ai cũng nghèo khó, hầu hết đều không biết chữ nên càng khổ hơn. Chính ba chị là người đã xin giấy phép để được dạy chữ cho cộng đồng người Chăm. Thế nhưng, không ai có thời gian và điều kiện để đứng lớp miễn phí. Ba chị tự tay đi mua bảng, bàn ghế rồi bảo với con gái “con sắp xếp thời gian dạy chữ cho anh em để duy trì tiếng mẹ đẻ”. Vậy là cô giáo không chuyên Basiroh chính thức nhận “nhiệm sở”. Dạy được hai tháng thì ba chị mất. Thực hiện di nguyện của ba và cũng là mong muốn được đóng góp cho cộng đồng của chính mình, chị tiếp tục dạy học suốt bảy năm sau đó, sau giờ làm việc.

Ba mất một thời gian thì mẹ chị đổ bệnh phải vào bệnh viện. Khi đó, chị đã được làm việc trong một công ty dầu khí. Vừa đi làm, vừa ra vào bệnh viện chăm mẹ, chị cũng không bỏ việc dạy thêm.

con gái Siti Aisah kế thừa tinh hoa nghề bếp lẫn tinh thần "basiroh" của mẹ

Cũng từ thời còn là thiếu nữ, Basiroh sinh hoạt trong nhóm ca Kosithah với vai trò người điều hành, ca sĩ, diễn viên, kiêm luôn tài trợ hoạt động cho cả nhóm cho đến tận bây giờ với mong muốn “giữ gìn và phát huy nhạc Chăm”. Mong muốn giúp những người nghèo có công ăn việc làm cũng là động lực lớn khiến chị mở quán ăn. Nhân viên của quán đều là người Chăm có hoàn cảnh khó khăn, như người làm phu hồ, bốc vác không đủ sức khỏe, người thất nghiệp được chị nhận vào làm phục vụ bàn và còn lo luôn cả chỗ ăn chỗ ngủ.

Mời khách dùng món bánh cay còn nóng hổi do chính tay cô con gái mới 10 tuổi thực hiện, chị hạnh phúc tâm sự: “Từ lúc mới ba tuổi, bé đã thể hiện rõ năng khiếu và đam mê ẩm thực; sau đó thì liên tục đòi mẹ cho vào bếp tập tành làm bánh. Đến nay, bé đã tự nấu ăn khi mẹ vắng nhà; tự tay làm được nhiều loại bánh một cách thuần thục. Đặc biệt, món bánh cay đã “quyến rũ” rất nhiều du khách ghé cửa hàng”. Sắp tới, chị dự định sẽ đưa vào thực đơn của quán món bánh cay mang tên con gái - Siti Aisah. Cắn miếng bánh cay vừa giòn vừa mềm, ngọt thơm đậm đà, nhìn bàn tay trộn nguyên liệu, chiên bánh thuần thục, khuôn mặt ánh lên một niềm đam mê của Siti Aisah, tôi như cảm thấy được một cách mạnh mẽ sức sống của thế hệ người Chăm nối tiếp gắn bó với mảnh đất hiếu khách này.

AN HÀ

www.phunuonline.com.vn

Basiroh, người Chăm, phụ nữ Chăm thành đạt


© 2021 FAP
  228,989       1/806