Tiêu dùng

Ra ngõ gặp ‘thần dược’... cây cỏ

PNO - Nắm bắt tâm lý người dân chuộng cây thuốc Nam, rất nhiều người buôn bán đã đem các loại cây, củ rừng đem bán với giá trên trời kèm quảng cáo “thần dược chữa bá bệnh”

“Thần dược” đổ đống, bày bán tràn lan trên vỉa hè

Ra đường đụng “thần dược”

Có thể nói, chưa bao giờ TP.HCM lại xuất hiện quá nhiều “thần dược” bán đổ đống, chất đầy vỉa hè như lúc này. Bất cứ con đường nào, có đông xe cộ là những người buôn “thần dược” lại ngồi xếp dãy dài mời gọi người mua. Những ngày qua, hai bên đường Hòa Bình (Q.11, TP.HCM), đoạn gần công viên văn hóa Đầm Sen, hàng chục “gian hàng” bán cây nở đất ngày đất có tác dụng “trị bệnh gút, tiểu đường” đứng chen chúc nhau và hàng nào cũng đông khách. “Thần dược” có giá khá mềm, dao động từ 60.000 đồng - 150.000đồng/kg, cách dùng đơn giản: chỉ cần hãm trà uống mỗi ngày sẽ giảm cholesterol, hỗ trợ tim mạch; đặc biệt là trị gout rất hiệu quả...; kèm theo lời quảng cáo rất “kêu” ấy còn có nhân chứng sống là... người bán hàng đã từng dùng thử và thấy rất hiệu nghiệm mà người dân đã vội tin vào công dụng của loại cây này.

Dạo một vòng qua đường Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ... (Q. Tân Bình, TP.HCM), chúng tôi thấy người bán củ đinh lăng xuất hiện khắp nơi. “Củ đinh lăng ngâm rượu”- người bán dạo chỉ treo tấm biển với dòng chữ đơn giản vậy thôi nhưng vẫn hút khách. Thấy tôi dừng xe ngắm nghía, người bán dạo liền chào hàng: “Giá hiện giờ là 350 nghìn/kg, bụi củ càng to, càng nặng thì giá càng cao. Chị tranh thủ mua đi chứ mai mốt củ càng hiếm giá còn cao hơn”. Tôi hỏi củ đinh lăng công dụng thế nào, nhiều người bán nói như đinh đóng cột: “ngâm rượu uống thường xuyên thì bệnh gì cũng khỏi”.

Tại góc đường Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp), hàng chục loại “thảo dược” đổ đống, được bày bán trên vỉa hè. Bên cạnh những củ nghệ, củ “sâm” bám đầy đất cát, còn có những lọ bột nghệ, dâu tằm ngâm đường… được pha chế sẵn. Giá mỗi loại từ 80.000 - 100.000đ/kg. Người bán hàng nói: “Trong rừng có nhiều thuốc quý nhưng không phải ai cũng biết, nhà tui có... ba đời kinh nghiệm tìm thảo dược ở rừng. Thuốc về mỗi ngày, mua bao nhiêu cũng có. Mua nhiều bớt giá cho mỗi ký 10.000 đồng”.

Nhiều ngày qua, trên đường Hồ Văn Huê (Q.Phú Nhuận) có một điểm bán “dâu tằm Đà Lạt chuyên chữa đau lưng, nhức mỏi, xương khớp, mất ngủ…”, giá 45.000đ/kg, thu hút nhiều người mua. Cũng trên lề đường này, có tấm bảng: “rễ cây mật nhân trị bá bệnh”, giá từ 60.000đ - 100.000đ/kg. Theo lời người bán “chỉ cần gọt vỏ, đem sao ngâm rượu hoặc nấu nước uống thì trị được bá bệnh” (!?).

 

Dâu tằm cũng được bày bán đầy đường với lời quảng bá đa công dụng

“Thần dược” bổ tới đâu?

Trong Đông y, đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát. Lá đinh lăng được sử dụng như một loại rau sống thông thường. Rễ đinh lăng có thể để bồi bổ khí huyết, nâng cao thể trạng và sức đề kháng cho bệnh nhân, bồi bổ chức năng của tạng thận trong đông y để điều trị đau lưng mỏi gối, suy nhược sinh dục, liệt dương... Ngoài ra, rễ đinh lăng còn có tác dụng lợi tiểu, thông sữa, kiết lỵ, giải độc thức ăn, chống dị ứng. Lá đinh lăng có thể điều trị ho (trong y văn còn nêu công dụng điều trị ho ra máu), cảm sốt. Có thể giả nát lá đinh lăng để đắp lên chữa mụn nhọt ở da. Thân và cành của đinh lăng có tác dụng điều các chứng phong thấp gây đau nhức xương khớp…

Tương tự, mật ong, củ nghệ, khổ qua, sâm, cây mật nhân… là những loại thảo dược có nhiều tác dụng hỗ trợ và điều trị bệnh nhưng theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa,  chủ Phòng khám y dược cổ truyền Tuệ Lãn – Hội dược liệu TP.HCM (đường Cách Mạng Tháng Tám, P.10, Q.3, TP.HCM), những loại được đổ đống bán như vậy khó có thể xác định đó là thảo dược hay không. Nếu đúng thì mọi người cũng không nên tự ý mua dùng vì chỉ tính riêng sâm đã có rất nhiều loại, mỗi loại có giá trị chữa bệnh khác nhau.

Ví dụ, đảng sâm bổ tỳ vị, trị suy nhược cơ thể; sâm đại hành bổ máu, tiêu độc… Đáng lưu ý, nhiều người cứ nhìn thấy củ gì có hình dáng giống củ sâm thì cho là nhân sâm. Cây thương lục cũng có hình dáng tương tự củ sâm nhưng là loại cây có độc ở tất cả các bộ phận rễ, củ, quả, lá… Khi ăn phải lượng nhiều sẽ có cảm giác tê môi và đầu lưỡi; đau bụng, nôn mửa; vã mồ hôi, giãn đồng tử; tụt huyết áp, co giật; liệt hô hấp, hôn mê và có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Tâm lý nhiều bệnh nhân thường ngại uống thuốc Tây vì sợ tác dụng phụ nên thường chuyển qua thuốc Nam. Khi thấy kết quả khả quan, họ nghĩ là do công dụng của những loại cây cỏ này. Thật ra, để có đánh giá chính xác, cần hết sức thận trọng. Vì khi mắc bệnh, bên cạnh việc uống thuốc, bệnh nhân thường tự điều chỉnh lối sống bản thân. Do đó, khi bệnh thuyên giảm, có thể do tác dụng của thuốc hoặc có thể vì lối sống đã được thay đổi, cải thiện. Tuy nhiên, không thể không phủ nhận tác dụng chữa bệnh của các loại cây cỏ, của những phương thuốc gia truyền. Nhưng nếu tin sái cổ, tin mù quáng theo lời người bán dạo thì coi chừng “tiền mất, bệnh mang”.

Mỗi loại thảo dược có giá trị trị bệnh khác nhau nhưng theo các lương y, để trở thành thuốc, các nguyên liệu này cần phải qua những công đoạn thu hoạch, bảo quản, bào chế đúng cách. Người cần trị bệnh hay muốn bồi bổ sức khỏe bằng Đông dược cần phải được thăm khám và chỉ định của thầy thuốc. Tự ý pha trộn, sử dụng cây, củ bày bán ở lề đường, bán dạo có thể gây bệnh và nguy hiểm đến tính mạng nếu trúng phải loại có độc tính. Các loại thảo dược nếu dùng để điều trị một chứng bệnh nào đó dưới dạng thuốc sắc, thuốc cao đơn hoàn tán, hay ngâm rượu uống lâu dài thì phải được tư vấn bởi các thầy thuốc y học cổ truyền. Khi có chẩn đoán và điều trị một cách chính xác mới phát huy hiệu quả tốt.

 

Hiện nay, cây nở ngày đất đang rất "hot" vì được quảng cáo trị bệnh gút, tiểu đường- dù các bác sĩ khẳng định là chưa có cơ sở khoa học. Ảnh H. Mỹ

VY TRẦN

www.phunuonline.com.vn

thần dược, loạn thần dược, cây thuốc nam


© 2021 FAP
  296,720       1/887