PN - Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng năm lần và giảm bốn lần, trong đó có ba lần giảm trong tháng Tám. Sau khi giảm 470đ/lít vào ngày 28/8,
Ở lĩnh vực vận tải hành khách, giá cước tàu xe, ô tô không có dấu hiệu điều chỉnh. Theo lý giải của các hiệp hội thì mặc dù xăng dầu giảm giá liên tục nhưng vẫn chưa đủ mạnh để khiến các doanh nghiệp (DN) vận tải điều chỉnh giá cước. Ngoài ra, còn có một lý do khác mà các đơn vị này đưa ra là các DN vận tải hàng hóa bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giá dầu, tuy nhiên giá mặt hàng này không giảm mạnh như xăng. Cho đến thời điểm này, giá dầu diesel mới giảm tổng cộng khoảng 1.000đ/lít, chiếm khoảng 4%, trong khi theo quy ước mức tăng giảm từ 5-10%, DN mới được điều chỉnh cước.
Ảnh hưởng trực tiếp khi giá xăng lên xuống, song các hãng taxi ở TP.HCM cũng kiên trì giữ giá. Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM cho rằng, từ đầu năm đến nay, đa số hãng taxi không điều chỉnh cước khi giá xăng tăng, do đó khi nhiên liệu này giảm giá, cước cũng không thay đổi. Đại diện hãng taxi Mai Linh cũng từng cho rằng, giá xăng thường tăng nhiều, giảm ít nên DN phải tính toán thận trọng, vì mỗi lần điều chỉnh rất tốn kém và phức tạp do phải điều chỉnh lại đồng hồ tính cước.
Tuy nhiên, khi giá xăng tăng lần thứ ba liên tiếp trong năm nay vào ngày 22/4 với tổng cộng khoảng 700đ/lít, một số hãng taxi đã tăng cước ngay. Trong đó, Mai Linh đã tăng cước từ 200-700đ/km. Nay, giá xăng đã giảm tổng cộng đến 2.000đ/lít, vẫn chưa thấy động thái gì từ các hãng. Việc “phức tạp” do điều chỉnh đồng hồ tính cước liệu có là cái cớ để nhiều DN vận tải lơ việc giảm cước?
Các siêu thị vẫn chưa nhận được thông báo giảm giá thực phẩm
Ngoài vận tải thì một số mặt hàng thực phẩm cũng chưa chịu xuống giá. Ghi nhận tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm trên địa bàn TP.HCM những ngày qua, các mặt hàng rau, củ quả chở từ các tỉnh và vùng biên giới về hầu hết giữ nguyên giá so với thời điểm cách đây một tháng, thậm chí có những mặt hàng giá còn tăng cao hơn sau bốn lần giá xăng giảm. Nhiều tiểu thương thừa nhận, sau những lần xăng giảm giá, họ đã tiết giảm được kha khá cước phí vận tải. Dù vậy, giá cả nhiều mặt hàng vẫn giữ nguyên vì lý do “thời tiết không thuận lợi” (?).
Đại diện các siêu thị cũng cho biết, giá xăng dầu giảm liên tiếp trong chưa đầy một tháng, song đến nay chưa có DN sản xuất nào thông báo giảm giá. Thậm chí, một số mặt hàng còn có xu hướng tăng giá nhẹ như hàng thực phẩm, rau quả… cũng với lý do “mưa nhiều”. Tuy nhiên, ông Trần Văn Hợt, Chủ nhiệm Hợp tác xã Ngã Ba Giồng cho biết, giá rau tiểu thương mua của người trồng đã giảm 15-20% từ hai ba tuần nay. Tương tự, ông Nguyễn Văn Nhân, hộ trồng rau trên đường Nguyên Tử Lực (Đà Lạt) khẳng định, ngoại trừ mặt hàng khoai tây do không phải vụ, giá nhiều loại rau bán buôn tại ruộng cũng đã giảm. Hầu hết thương lái lấy cớ cước vận tải tăng nên đề nghị giảm giá rau, trung bình từ 1.000-1.500đ/kg. Đối chiếu mức giá từ các nhà vườn cung cấp thì hầu hết giá các mặt hàng nông sản, thực phẩm chỉ giảm tại các vùng trồng, khi ra đến chợ, những sản phẩm này đã đẩy giá lên rất nhiều lần.
Thực tế là điều không hợp lý và thiếu sòng phẳng với người tiêu dùng bởi không ít lần giá xăng tăng, người tiêu dùng phải móc hầu bao để trả thêm tiền, song khi giá xăng giảm họ vẫn phải è cổ mua hàng giá cao.
Ca Hảo - Đăng Thư
xăng tăng giá, hàng hoá tăng theo giá xăng