PN - Vì ham tour giá rẻ, thời gian qua, không ít du khách đã bị các doanh nghiệp du lịch hoạt động chui lừa đảo với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Chưa được cấp phép, vẫn kinh doanh du lịch
Tính đến nay, TP.HCM có 550 doanh nghiệp (DN) lữ hành quốc tế (DNLHQT), 372 DNLH nội địa, 10 văn phòng đại diện DN du lịch (DL) nước ngoài và 33 đại lý lữ hành. Các đại lý này bao gồm cả các trang web mua hàng theo nhóm hay các trang thương mại điện tử có rao bán tour DL. Ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Quản lý lữ hành - Sở Văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT-DL) TP.HCM, cho biết: “Danh sách này được công khai và cập nhật thường xuyên trên trang chủ website của Sở - http://www.svhttdl.hochiminhcity.gov.vn. Nếu không có tên trong danh sách này, chắc chắn đó là DN chưa được cấp phép”.
Ngày 12/8, chúng tôi đã thử gõ tìm tour khuyến mãi giá rẻ rao bán trên các trang mạng thì nhận được bốn triệu kết quả. Nhấp vào mục dulich trên trang diadiemvang.net, hàng loạt tour DL được giới thiệu cực kỳ hấp dẫn. Đa số các tour được rao bán ở đây là của Công ty DL Nam Thiên (địa chỉ: 98 Song Hành, P.Tân Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM). Lần theo thông tin này, chúng tôi tiếp tục xem chi tiết tour trên website của Công ty Nam Thiên. Trang web này đang bán rất nhiều tour đi nước ngoài và trong nước. Đối chiếu với danh sách của Sở VH-TT-DL TP.HCM theo hướng dẫn trên, tuyệt nhiên không có một thông tin nào về đơn vị đại lý - diadiemvang.net, lẫn đơn vị trực tiếp bán tour - Nam Thiên.
Một đơn vị khác cũng trong tình trạng tương tự: yesgoda.com. Đây là website của Công ty đầu tư phát triển Minh Thịnh Phát (974A, đường Trường Sa, P.12, Q.3). Website giới thiệu hàng loạt các tour trong nước và nước ngoài. Trả lời chúng tôi qua điện thoại, một nhân viên cho biết “chính công ty là đơn vị đưa khách đi”. Thực tế, yesgoda hay Minh Thịnh Phát đều không có tên trong danh sách của Sở VH-TT-DL TP.HCM.
Chúng tôi còn tìm thấy nhiều đại lý khác đang bán hàng chục tour đi nước ngoài nhưng lại không có tên trong danh sách DN làm đại lý có giấy phép hoạt động của Sở VH-TT-DL TP.HCM. Đó là công ty TNHH KAY.VN (8D Nguyễn Thị Minh Khai P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM); Cungmua.com (331 Nguyễn Trọng Tuyển, P.10, Q.Phú Nhuận)…
Trên đây chỉ là một vài DN mà chúng tôi ngẫu nhiên tìm được.
Không chỉ DN bán tour trực tiếp mới cần được cấp phép trước khi đi vào hoạt động chính thức, loại hình đại lý DL cũng phải thực hiện nguyên tắc này. Đại diện Phòng Quản lý lữ hành, Sở VH-TT-DL TP.HCM khẳng định: Bất kỳ DN kinh doanh lữ hành nào trên địa bàn TP.HCM, kể cả DN mở chi nhánh và đại lý kinh doanh lữ hành tại TP.HCM dù đã được cấp phép kinh doanh lữ hành mà không thông báo bằng văn bản về thời điểm bắt đầu hoạt động đến Sở VH-TT-DL TP.HCM (cụ thể là Phòng Quản lý lữ hành), đều vi phạm khoản 1 và 4, điều 41 và điều 43 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Nếu DN, chi nhánh, đại lý hoạt động trái với Nghị định 158, đồng nghĩa đang hoạt động chui.
Trước khi chọn mua tour, hãy vào trang web của Sở VH-TT-DL để biết DN, trang thương mại điện tử có làm du lịch chui hay không
Du khách nên tự bảo vệ
Lý giải về tình trạng mỗi năm vẫn liên tục có những DNLH hoạt động chui lừa đảo lấy tiền người dân, ông Nguyễn Việt Anh cho biết: “Lực lượng cán bộ chuyên trách về lữ hành quá mỏng, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi và đặc biệt là sự phát triển tràn lan của thương mại điện tử (TMĐT) nói chung, trong lĩnh vực lữ hành nói riêng. Hiện chưa có văn bản nào quy định việc quản lý kinh doanh DL trên trang TMĐT nên càng khó khăn hơn”.
Để được cấp phép hoạt động LHQT, mỗi DN cần đáp ứng rất nhiều điều kiện từ nhân lực, năng lực đến số tiền ký quỹ 500 triệu đồng... Do đó, khi không đáp ứng được những điều kiện trên nhưng lại muốn nhanh thu tiền, họ sẽ hoạt động chui, bán tour theo kiểu chụp giật. Đơn cử những trường hợp gần đây nhất là Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Du lịch mới (New Tour., Co.Ltd) và Công ty TNHH TM&DV du lịch quốc tế Anh Kiệt đã lừa hàng chục khách hàng với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Xét lại cả quá trình cho thấy, khả năng “biến hình” của những công ty này thật khó lường, bởi trước đó khi mang một cái tên khác, đặt tại địa điểm khác, cả hai đều đã bị thanh tra Sở VH-TT-DL TP.HCM xử phạt vì không có giấy phép LHQT, nhưng vẫn tổ chức tour đi DL nước ngoài.
Đại diện thanh tra Sở VH-TT-DL TP.HCM cho biết, trong sáu tháng đầu năm 2014 đã kiểm tra 15 DN, trong đó 11 DN có sai phạm với số tiền xử phạt hành chính là 146 triệu đồng. Có hai DN hoạt động LHQT không có giấy phép là Công ty Anh Kiệt và Công ty TNHH MTV DVDL HaKim. Những hành vi vi phạm khác là: sử dụng người không có thẻ hướng dẫn viên DL để hướng dẫn DL, hoạt động kinh doanh LHQT không có đủ ít nhất ba hướng dẫn viên có hợp đồng dài hạn; kinh doanh đại lý DL không có hợp đồng đại lý lữ hành bằng văn bản… Tuy nhiên, số liệu kiểm tra này vẫn mang tính tương đối, phần nhiều trên những đối tượng “có tóc”, nghĩa là DN đã được cấp phép hoạt động. Thực tế, có bao nhiêu DNLH đang hoạt động chui thì khó biết được bởi lượng số lượng DN được Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM cấp phép có chức năng kinh doanh lữ hành lại lên đến gần 20.000.
Được biết, Sở VH-TT-DL TP.HCM đã có văn bản đề xuất Tổng cục DL “gắn biển” cho các DNLHQT, tương tự như gắn sao cho khách sạn. Nếu đề xuất này được duyệt, mỗi DNLHQT sẽ được cấp một biển hiệu để gắn ngay mặt tiền của văn phòng, như một dấu chỉ để người tiêu dùng có cơ sở lựa chọn khi đi đăng ký tour.
Trước mắt, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách vào mục "Thông tin DN DL" trên trang chủ website của Sở VH-TT-DL TP.HCM: http://www.svhttdl.hochiminhcity.gov.vn, để đối chiếu xem DN đó đã được cấp phép hay chưa. Không nên chỉ nhìn vào giá cả để chọn mua tour, với những khuyến mãi quá mức, không hợp lý thì cần đặt nghi vấn để tìm hiểu thêm rồi mới quyết định. Ngoại trừ những tour lấy được giá vé kích cầu của các hãng hàng không (tour đường bay) thì giá mới được giảm nhiều, tối đa khoảng 40%. Những tour thông thường giá sẽ không chênh lệch nhiều giữa các hãng lữ hành. Trường hợp chênh lệch nhiều thì những dịch vụ kèm theo tour cũng sẽ khác nhau tương ứng.
Nếu nghi ngờ, du khách có quyền đòi hỏi DN cho xem giấy phép hoạt động LHQT. Theo quy định, giấy này được treo ở vị trí dễ thấy trong văn phòng giao dịch để du khách được biết.
An Hà
- Phạt tiền từ 5.000.000đ đến 10.000.000đ nếu hoạt động đại lý lữ hành cho DN không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế để bán chương trình du lịch. - Đơn vị vi phạm bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do vi phạm quy định này. (Trích điều 43 Nghị định 158/2013) |
du lịch, nhận biết doanh nghiệp du lịch chui