PN - Xu hướng vay tiêu dùng tín chấp bằng lương để kinh doanh nhỏ đang nở rộ, bởi các ngân hàng (NH) đang đẩy mạnh cho vay qua hình thức này với điều kiện và lãi suất (LS) khá thấp.
Vay tín chấp để kinh doanh
Anh Phan Quang (Q.Gò Vấp, TP.HCM), cho biết, anh vừa được NH Nam Á (NamA Bank) giải ngân 100 triệu đồng theo hợp đồng vay tiêu dùng tín chấp qua lương. Theo anh Quang, thủ tục vay khá dễ dàng với hợp đồng lao động, sao kê lương và KT3 hoặc hộ khẩu TP.HCM. Mức LS mà NamA Bank áp dụng cho khoản vay của anh là 11%, trả trong vòng một năm. Anh Quang vay tiền để mở một quán sinh tố. Theo tính toán của anh, với LS 11%/năm, mỗi tháng anh phải trả cho NH khoảng 9,5 triệu đồng, trong đó tiền lãi khoảng một triệu đồng, là mức anh hoàn toàn có thể trả.
Tương tự, chị Kiều Nguyên (Q.Bình Tân, TP.HCM) cũng có ý định vay tín chấp qua NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) để mở một tiệm uốn tóc nữ tại nhà. Theo chị Nguyên, Vietcombank đang cho vay tín chấp bằng lương với mức LS từ 10 - 11%, tùy thời hạn vay. Mức LS này tính ra khá mềm để kinh doanh nhỏ, nếu vay 50 triệu đồng, tiền lãi mỗi tháng khoảng 600.000đ. Tính ra, mỗi ngày chị chỉ phải trả khoảng 20.000đ tiền lãi NH. Với khoản vay này, nếu trả trong vòng một năm, mỗi tháng chị phải trả NH gần năm triệu đồng (cả gốc lẫn lãi), mỗi ngày tiệm của chị chỉ cần lời khoảng 200.000đ là ổn.
Từ thực tế trên cho thấy, kiếm thêm tiền bằng nghề tay trái đang trở thành xu hướng đối với nhiều người. Trong khi đó, các NH lại đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng tín chấp bằng lương.
Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng tín chấp - Ảnh: Phùng Huy
Nên hay không?
Khi vay tiêu dùng tín chấp, người vay cần chú ý về mức LS áp dụng cho thời gian vay, bởi một số NH hiện áp dụng mức LS rất hấp dẫn, nhưng chỉ trong vài tháng đầu. Bên cạnh đó, việc lựa chọn phương thức trả lãi cũng khá quan trọng. Tùy vào khoản vay và thời hạn dài hay ngắn mà người vay có thể chọn phương thức tính lãi ban đầu hay giảm dần. Chẳng hạn như tại NH TMCP Á Châu (ACB), người vay có thể lựa chọn LS theo dư nợ ban đầu với mức khoảng 11% hoặc dư nợ giảm dần với mức khoảng 20%. Nếu nhìn vào mức LS khoảng 11%/năm, người vay sẽ có cảm giác khá mềm, tuy nhiên thực tế không như mọi người nghĩ. Bởi, đây là LS theo dư nợ ban đầu. Nghĩa là, lãi sẽ được tính gộp một lần cho khoản vay rồi chia đều từng tháng để người vay trả góp. Với mức tính của ACB, LS theo dư nợ ban đầu như cách tính trên gấp đôi so với LS được tính theo dư nợ giảm dần.
Ngoài ra, việc vay tiêu dùng để kinh doanh liệu có vi phạm các cam kết với NH cũng là một vấn đề nhiều người thắc mắc. Các nhà băng đều có điều khoản cam kết về mục đích sử dụng vốn. Tuy nhiên, chính các NH cũng thừa nhận rằng, điều khoản này chỉ có tác dụng khi khách hàng mất khả năng trả nợ. Vì NH không thể biết việc đầu tư kinh doanh của khách hàng bằng nguồn tiền nào. NH không thể phân biệt đâu là tiền vay, đâu là tiền có sẵn của khách hàng.
Anh Quốc, một khách hàng của NH TMCP Phát triển nhà TP.HCM (HDBank) cho biết, anh vừa vay của NH này 50 triệu đồng bằng việc thế chấp lương. Anh Quốc khai báo mục đích sử dụng là học tiếng Anh, nhưng thực tế anh dùng để mở tiệm trà sữa cho em gái. Để hợp thức hóa, anh cũng nộp hóa đơn học tiếng Anh được đóng từ tiền sẵn có của mình.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển - thành viên chuyên trách Ủy ban chiến lược phát triển NH TMCP Xuất nhập khẩu VN (Eximbank), ý nghĩa của vay tín chấp tiêu dùng cá nhân là để cho những người có thu nhập ổn định, họ vay trong giai đoạn nào đó để mua một món hàng và họ dùng chính lương của mình để trừ đều vào khoản nợ, không có rủi ro vì cũng giống một cách tiết kiệm.
Trong khi, việc vay tín chấp để kinh doanh - dù LS thấp, nhưng bản chất rủi ro luôn cận kề, khả năng mất vốn lên đến 70-80%. Khi đó, bạn vừa phải trả lãi, vừa mất vốn - thậm chí phải bù tiền túi nếu như lỗ chồng lỗ, lãi chồng lãi.
Nhiều NH cũng tạo cảm giác LS không đáng kể khi chia đơn vị LS ra, nhưng bạn nên nhớ, LS này bạn phải trả đều đặn hàng ngày kéo dài sẽ là áp lực. Cụ thể, với số tiền 50 triệu, LS chia nhỏ chỉ khoảng 20.000đ/ngày, nhưng gộp lại cứ đều đều mỗi tháng "mất" đi 600.000đ.
C. Hảo - S. Nam
vay tiêu dùng, Có nên vay tiêu dùng để kinh doanh nhỏ