Tiêu dùng

Quản lý nhập khẩu nông sản Trung Quốc: Có cũng như không!

PN - Mới đây, Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NAFIQAD) công bố thông tin:

Trái cây, rau củ Trung Quốc ồ ạt xuất vào Việt Nam. Ảnh minh họa: internet

Chưa biết độc hay không, đã cho thông quan!

Theo quy trình, các sản phẩm nông sản nhập khẩu ở miền Bắc và miền Trung được kiểm nghiệm tại Trung tâm Kiểm định và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc, thuộc Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT (gọi tắt là Trung tâm). Các mẫu phẩm nông sản được nhân viên kiểm định gửi về từ các cửa khẩu. Sau đó, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm sẽ tiến hành kiểm tra, xét nghiệm, phân tích và đánh giá cụ thể về dư lượng thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản, mức độ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong các mẫu phẩm.

Nhưng nghịch lý là, trong thời gian chờ đợi kết quả kiểm nghiệm thì các lô hàng nông sản vẫn được thông quan và đưa đi phân phối. Đến khi có kết quả cụ thể thì lượng hàng đó đã được tiêu thụ hết, người tiêu dùng có trót ăn phải chất độc hại cũng đành chịu.

Ngày 27/7, tại bãi xe nhập khẩu chờ thông quan của cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, một lái xe cho biết: “Thông thường trong vòng khoảng một tiếng đồng hồ, hàng hóa sẽ được kiểm dịch xong và cho thông quan. Chỉ vài tiếng sau là hàng sẽ về đến Hà Nội”. Như vậy, kiểm dịch ở đây chỉ còn là hình thức.

 Trao đổi với chúng tôi, bà Bế Thị Thu Hiền, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật Tân Thanh (thuộc Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7) cho biết: một nửa số mẫu phẩm của mỗi lô hàng nông sản nhập khẩu sẽ được làm test nhanh tại chỗ. Trường hợp test nhanh xác định mẫu phẩm có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng 30% thì lô hàng không được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch để nhập. Một nửa mẫu phẩm còn lại của mỗi lô hàng sẽ được bảo quản và gửi về Trung tâm để xác định định lượng chất bảo vệ thực vật cụ thể là chất gì, và vượt ngưỡng an toàn bao nhiêu phần trăm.

Với mỗi chủ hàng nhập nông sản từ Trung Quốc, ở lần nhập lô hàng thứ nhất, nếu kiểm tra thông thường lấy mẫu kiểm tra 10%, phát hiện hàng có chứa chất tồn dư vượt ngưỡng cho phép thì ở lần nhập lô hàng thứ hai, sẽ bị áp dụng kiểm tra chặt tới 30% lô hàng. Nếu tiếp tục vi phạm thì lần nhập hàng thứ ba sẽ bị kiểm tra 100% lô hàng.

Những xe hàng nông sản Trung Quốc vào Việt Nam

Quy định có điểm hở

Tuy nhiên, lỗ hổng “chết người” ở chỗ, tại lần nhập hàng thứ nhất, dù kiểm tra thông thường 10%, và trong thời gian chờ đợi kết quả kiểm định tại Hà Nội thì lô hàng đó vẫn được thông quan. Theo điều 17 của Thông tư 13/2011/TT-BNNPTNT, thời gian từ khi lấy mẫu, gửi mẫu, kiểm nghiệm và trả lời kết quả tối đa không quá 10 ngày làm việc. Nhưng dù kiểm tra theo phương thức thông thường hay kiểm tra chặt, nếu hồ sơ và kiểm tra ngoại quan (bao gói, ghi nhãn) đạt yêu cầu thì vẫn được cấp giấy chứng nhận.

Ngoài ra, một nội dung của điều 14 thông tư này quy định việc lấy mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm nêu: “Kiểm tra thông thường: Thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng kiểm tra theo tần suất tối đa 10% theo mức độ rủi ro của hàng hóa. Tần suất này được áp dụng đối với từng địa điểm nhập khẩu. Việc lấy mẫu kiểm nghiệm được thực hiện bất kỳ trong số các lô hàng kiểm tra nhập khẩu. Lô hàng kiểm tra được phép làm thủ tục thông quan không phải chờ kết quả kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn thực phẩm”.

Như vậy, theo Thông tư 13 của Bộ NN&PTNT, hàng nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam, trong thời gian chờ thông quan tại các cửa khẩu, các cơ quan kiểm định chỉ việc lấy vài ký mẫu phẩm ngẫu nhiên từ mỗi lô hàng để kiểm định. Từ lỗ hổng trong quản lý nhà nước này, sức khỏe người tiêu dùng đang bị phó mặc. Đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước phải sửa quy định, không thể mãi thờ ơ với sức khỏe người tiêu dùng.

 Lưu Ký

www.phunuonline.com.vn

trái cây TQ, Quản lý nhập khẩu nông sản


© 2021 FAP
  241,590       1/1,058