Tiêu dùng

Vụ bê bối Husi bộc lộ yếu kém của ngành thực phẩm TQ

PNO – Vụ bê bối thịt thối của công ty Husi Thượng Hải đã góp thêm một tiếng nói báo động về tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm, một vấn nạn hoành hành ở Trung Quốc nhiều năm qua.

Minh họa: Adolfo Arranz

Khi thanh tra thực phẩm đến thăm Husi Thượng Hải đầu mùa hè vừa qua, họ sẽ thấy dây chuyền sản xuất tại một doanh nghiệp đang ở trung tâm của vụ bê bối thực phẩm quốc tế, rát ngăn nắp, trật tự, thịt tươi được xử lý nghiêm ngặt trên băng chuyền bởi các công nhân ăn mặc đúng cách và được giám sát chặt chẽ bởi các chuyên gia kỹ thuật trong một quy trình khép kín.

Tuy nhiên, nếu các thanh tra đến đột xuất trước đó một ngày, họ đã có thể tìm thấy các túi nhựa màu xanh chứa đầy thịt quá đát chồng chất trên sàn xưởng chế biến. Một nhân viên nhà máy dấu tên cho biết thịt cũ thường được thêm vào hỗn hợp thịt để tăng sản lượng và giảm chi phí sản xuất.

Ngày 20/7, sau một bản tin do truyền hình địa phương bí mật quay được, nói rằng công nhân thường sử dụng thịt đã hết hạn và ghi gian lận ngày sản xuất, nhà chức trách địa phương đã đóng cửa nhà máy Husi, một bộ phận của tập đoàn OSI - một nhà cung cấp thực phẩm của Mỹ. Cảnh sát đã bắt giữ năm người trong đó có Giám đốc và Trưởng phòng kiểm tra chất lượng của Husi Thượng Hải.

Vụ bê bối Thượng Hải giáng một đòn mạnh vào các thương hiệu thức ăn nhanh nước lớn của nước ngoài, trong đó có McDonald và Yum - công ty sở hữu chuỗi KFC và Pizza Hut, đồng thời nhấn mạnh những thách thức ngành công nghiệp thực phẩm đang phát triển như vũ bão của Trung Quốc phải đối mặt. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Yum và lớn thứ ba của McDonald trên thế giới. Riêng tại trung Quốc, Yum có đến 650 nhà cung cấp nguyên liệu chế biến.

Làn sóng bê bối thực phẩm từ Thượng Hải đã lan xa ra ngoài biên giới Trung Quốc.

Công ty Cổ phần McDonald Nhật Bản cho biết sẽ tăng cường kiểm tra các nhà cung cấp, ngăn chặn toàn bộ mặt hàng thịt gà nhập khẩu từ các công ty ở Trung Quốc và chuyển sang các nguồn nguyên liệu mới tại Thái Lan, giám đốc điều hành McDonald Nhật Bản, Sarah Casanova, phát biểu tại một cuộc họp báo.

Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực khôi phục lòng tin vào ngành chế biến thực phẩm trị giá 1 ngàn tỷ USD kể từ sau vụ sáu trẻ sơ sinh tử vong năm 2008 do uống phải sữa giả. Cục trưởng Cục Quản lý dược và thực phẩm Trung Quốc nói với China Daily rằng tình hình an toàn thực phẩm "vẫn nghiêm trọng" và hệ thống giám sát hiện tại "không hiệu quả".

Dây chuyền sản xuất nhà máy thực phẩm Husi trước khi bị kiểm tra - Ảnh: Reuters

Ngành kiểm nghiệm công nghiệp thực phẩm của Trung Quốc, dự kiến đạt trị giá 8 tỷ nhân dân tệ (1,295 tỷ USD) vào năm tới, với hơn 5.000 công ty cung cấp dịch vụ kiểm tra thực phẩm dàn trải trên một quy mô rộng lớn.

Theo ông Gao Guan, Phó tổng thư ký của Hiệp hội Thịt Trung Quốc, pháp luật về an toàn thực phẩm ở nước này chưa hoàn thiện và phải chịu trách nhiệm về việc thực thi không rõ ràng, gây khó khăn cho cơ quan quản lý.

"Ở các nước phát triển, người dân tuân theo quy tắc giao thông. Bạn phải dừng khi đèn đỏ và đi khi đèn xanh bật lên, nhưng ở Trung Quốc thì không thế, người ta cứ đi và không quan tâm đến tín hiệu đèn. Vì vậy, trong môi trường đặc biệt này, những vụ như Husi là rất khó tránh”, ông Gao nói.

THANH HIỀN (Theo SCMP, AFP)

www.phunuonline.com.vn

Trung Quốc, Husi Thượng Hải, vệ sinh an toàn thực phẩm


© 2021 FAP
  241,890       1/1,056