PNO - Đó là nội dung buổi tọa đàm do Câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân (DN) 2030 - một trong bảy CLB thuộc Saigon Times Club - tổ chức chiều 30/6 tại TP.HCM.
Hiện nay, nguyên liệu của ngành dệt may VN đang phụ thuộc rất nhiều vào hàng cung từ Trung Quốc (TQ), với khoảng 30%.
Trong quý 1/2014, VN nhập 1,9 tỷ USD vải, trong đó nhập từ TQ chiếm 50%, còn lại là thị trường Hàn Quốc, Nhật, Hồng Kông. Trong 680.000 tấn sợi vải VN xuất khẩu thì 30% xuất sang thị trường Trung Quốc, 30% xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ và còn lại xuất sang các nước khác.
Ông Lê Quốc Ân – Nguyên Chủ tịch tập đoàn dệt may VN, đánh giá đầu ra của ngành may VN chủ yếu là xuất khẩu, gấp 6 lần tiêu thụ trong nước. Trong khi, nguyên phụ liệu may mặc chủ yếu được nhập khẩu từ TQ và các nước khác. “Cần chủ động giải pháp giảm lệ thuộc, bằng cách tăng tỉ lệ nội địa hóa trong chiến lược phát triển dệt may VN- thông qua thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Vì trông chờ vào nhà đầu tư VN rất chậm do cần nguồn vốn rất lớn. Đặc biệt, cần nâng cao trình độ quản lý và công nghệ, DN trong nước còn hạn chế”, ông Ân nêu ý kiến.
Song song đó là đa dạng hóa nguồn nhập: giảm từ TQ, tăng từ Ấn Độ, Pakistan, Asean…Đặc biệt, nhanh chóng xây dựng chuỗi liên kết sợi – dệt – may trong các khu vực Asean, các nước TPP, Nam Á…tận dụng Hiệp định thương mại tự do giữa VN – Nhật, Asean – Nhật (năm 2009), hàng nhập khẩu thuế suất 0%.
“Hiện, VN chiếm 8,5% thị trường may mặc tại Mỹ, trong khi TQ chiếm 35% thị trường này. Chúng ta sử dụng nguyên liệu từ các nước TPP, may tại VN và xuất sang các nước TPP. Nam Á hiện có hiệp định thương mại tự do với Asean, VN có hiệp định thương mại tự do với Châu Âu, nên chúng ta làm chuỗi liên kết xuất sang Châu Âu sẽ có nhiều lợi thế”, ông Ân nhấn mạnh.
Ông Đỗ Long – Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty hàng tiêu dùng Bình Tân (thương hiệu Bitis, Bitas) cho rằng: “Nếu chỉ tập trung vào TQ thì sẽ bị kẹt vào thị trường đó nên chúng tôi phân bổ theo nguyên tắc tập trung vào hạ tầng, thiết bị, công nghệ, quản trị; đầu vào nguyên liệu trong nước, nguyên liệu nước ngoài, thanh khoản; xuất khẩu, nội địa, liên kết sản xuất.”
Còn ông Nguyễn Thành Nhân – Phó TGĐ Saigon Co.op, nhận định: Cần đẩy mạnh liên kết giữa các DN với nhau để chủ động nguyên liệu, hàng hóa. Vai trò của nhà phân phối trong chuỗi liên kết. “Ngay từ ngày thành lập (1996), chúng tôi đi theo hướng tập trung vào thị trường nội địa, kinh doanh hàng VN với giá cả phải chăng.
Theo ông Nhân, DN vừa và nhỏ thường gặp khó khăn trong quảng bá hàng hóa. Nhiều sản phẩm có chất lượng cao nhưng giá không thể cao hơn hàng chất lượng kém hơn vì họ chưa làm tốt khâu quảng bá để NTD cảm nhận được chất lượng sản phẩm tốt. Ông Nhân cho rằng: “Phải đầu tư dài hạn, giúp hàng VN đến được vùng nông thôn, nếu không làm nhanh chóng, hàng nước ngoài sẽ vào chiếm lĩnh thị trường”.
Để tránh bị ảnh hưởng từ TQ, trong đó có hàng nông sản mà thời gian vừa qua nông dân bị ảnh hưởng bởi TQ giảm lượng nhập, ông Hà Xuân Anh – Chủ nhiệm CLB 2030 nêu ý kiến: “Hàng hóa phải đạt chất lượng, giá cả hợp lý thì DN mới nhập. Chúng ta không nên “bỏ trứng vô một giỏ” mà cần tìm nhiều thị trường, đa dạng sản phẩm, đa dạng phân khúc thị trường. Vẫn nhập hàng từ TQ dành cho phân khúc thấp và tìm sản phẩm từ thị trường khác cho phân khúc cao cấp. Nông sản và một số ngành, TQ siết xuất nhập khẩu tiểu ngạch, mình bị ảnh hưởng ngay nên cần chủ động liên kết để vượt qua khó khăn”.
Nguyễn Cẩm
tọa đàm, liên kết doanh nghiệp