PN - Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), chỉ số giá tiêu dùng tháng Năm có khả năng tăng nhẹ so với tháng Tư
Ảnh minh họa: internet
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), chỉ số giá tiêu dùng tháng Năm có khả năng tăng nhẹ so với tháng Tư. Nguyên nhân: độ trễ của kỳ tính giá vào đợt nghỉ lễ dài ngày dịp 30/4-1/5 với giá tăng ở một số hàng hóa, dịch vụ như thực phẩm, dịch vụ ăn uống, vận tải hành khách, du lịch… sẽ tác động đến chỉ số giá nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống và giao thông của tháng Năm.
Ngoài ra, giá gas được điều chỉnh tăng từ đầu tháng cũng tác động vào nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng. Việc điều chỉnh giá xăng cuối tháng Tư tác động đến nhóm nhiên liệu trong tháng Năm. Việc tăng cường thực hiện đúng quy định về trọng tải đối với các phương tiện vận chuyển đường bộ cũng ảnh hưởng nhất định đến chi phí vận chuyển hàng hóa trong thời gian tiếp theo. Ngoài ra, tháng Năm thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa mưa nên nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng may mặc, mũ nón, giày dép và đồ dùng gia đình… tăng.
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý giá, cũng có nhiều yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá. Giá nhiều loại hàng hóa nguyên nhiên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới dự báo biến động nhẹ. Trong nước, cân đối cung-cầu hàng hóa, dịch vụ tiếp tục được giữ vững, sức mua không có nhiều biến động. Vì thế, giá một số loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cũng được dự báo có xu hướng ổn định, thậm chí giảm như lương thực, thực phẩm, phân bón, sữa, xi măng, thép…
Mỹ Châu
chỉ số CPI, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5