PN - Mùa nóng, sản phẩm (SP) “chống nắng” được các nhãn hiệu mỹ phẩm từ cao cấp đến bình dân đua nhau giới thiệu đến người tiêu dùng.
Tính năng chống nắng hiện được đưa vào hàng loạt những dạng SP khác nhau: kem, phấn trang điểm, son môi, kem dưỡng da, sữa dưỡng thể, tinh chất dưỡng da… SP có tính năng chống nắng đủ loại, từ bình dân đến trung, cao cấp. Giá cả có sự khác biệt nhiều tùy thương hiệu, dao động ở các mức 70.000-150.000đ, 300.000-600.000đ và trên một triệu đồng/SP.
Có loại kem được quảng cáo rất “kêu” với hàng loạt công dụng: trị nám, vết thâm, tàn nhang, xóa vết nhăn, chống lão hóa, se khít lỗ chân lông và kèm thêm tính năng chống nắng SPF 20, ngăn ngừa được cả tia UVA và UVB (!?).
SP gây sốt trên thị trường, được nhiều phụ nữ ưa dùng hiện nay là dạng SP kem, kem-phấn trang điểm CC, BB cream. Lý do là vì nó vừa có tính năng che khuyết điểm, làm mịn da, đồng thời có thành phần chống nắng. Chẳng hạn, CC cream của nhãn hiệu Bourjois với chỉ số chống nắng SPF 15 nhưng lại được giới thiệu có thể bảo vệ da suốt cả ngày; Maybeline BB White - SPF 50/PA+++ bảo vệ da dưới ánh nắng mặt trời suốt 8g... Được quảng cáo chỉ đánh một lớp thật mỏng tạo làn da mịn màng tự nhiên song các kem, phấn trang điểm lại có thể chống nắng suốt 8-12g là điểm chung được quảng cáo của nhiều nhãn hiệu mỹ phẩm.
Phổ biến trong nhiều loại mỹ phẩm là SP dưỡng trắng, chống nhăn, trị nám… cũng kèm thêm tác dụng chống nắng. Ngoài những SP đã kể trên còn có hàng loạt những loại khác như: sữa dưỡng thể giúp làm trắng mềm da Vaseline chống nắng SPF24 PA++; kem Pond’s ngăn ngừa lão hóa da SPF 15, PA ++; phấn trang điểm dưỡng trắng và chống nắng Whoo whitening pact 45SPF/PA++; kem dưỡng da trắng mịn trong suốt Sunplay; CC cream Missha chống nhăn, làm trắng, chống nắng SPF43…
ThS-BS Lê Thái Vân Thanh, Bộ môn Da liễu, ĐH Y Dược TP.HCM cho biết: những hoạt chất giúp làm trắng da, trị mụn, trị nám… rất dễ... bắt nắng, khiến da dễ bị nám, sạm hơn. Những SP làm trắng da, trị nám thường được các bác sĩ da liễu khuyên dùng vào ban đêm, còn ban ngày người dùng vẫn phải chống nắng tốt, đúng cách bằng SP chuyên dụng.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ da liễu, với cái nắng nhiệt đới như ở Việt Nam phải cần đến SP chống nắng chuyên dụng dạng kem với chỉ số SPF tối thiểu là 30, PA+++; đồng thời phải thoa đủ dày và cứ sau khoảng ba tiếng thì cần thoa lại. Khả năng chống nắng giảm dần theo độ che phủ: kem, gel, sữa, bột, phun sương… Do vậy, chỉ với một lớp kem hay một lớp phấn trang điểm mỏng thì không thể nào có khả năng chống nắng đến 8 hay 12 giờ như các nhãn hiệu đã quảng cáo.
Việc lạm dụng thành phần chống nắng vào nhiều mỹ phẩm khác nhau cùng những lời giới thiệu có cánh có thể khiến người tiêu dùng ỷ lại vì tin rằng “có thể tự tin làm đẹp mà không sợ nắng”. Hậu quả, sau khi sử dụng, da sẽ càng phát sinh thêm nhiều bệnh lý như mụn, nám, sạm… Mặt khác, nó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây độc cho cơ thể về lâu dài. Theo ThS-BS Lê Thái Vân Thanh, chất chống nắng vốn là những hóa chất hữu cơ hoặc vô cơ. Chúng có thể thẩm thấu qua da, vào máu. Mặc dù lượng thấm vào da với nồng độ cho phép, song về lâu dài, có nguy hại như thế nào thì chưa thể lường hết được.
Bài, ảnh An Hà
Mới đây, chị Tr.T.P. (Q.6, TP.HCM) đến Bệnh viện Da liễu trong tình trạng tay, chân, ngực, mặt nổi đầy mẩn đỏ, các nốt mẩn sưng phù, gồ lên khỏi bề mặt da thành từng mảng, rất ngứa. Theo đánh giá của các bác sĩ, chị P. bị dị ứng kem chống nắng. Chị cho biết, trước đó hai ngày chị mua bộ mỹ phẩm chống nắng (kem chống nắng, phấn chống nắng) ngoài chợ với giá 80.000 đ/bộ. BS Trần Thế Viện - Khoa Lâm sàng, BV Da liễu TP.HCM cho biết, cứ đến mùa nắng nóng, số ca đến khám do bị dị ứng kem chống nắng lại tăng mạnh. Triệu chứng nhẹ thì nổi mẩn đỏ, ngứa, phồng rộp, nổi mụn nước vùng bôi kem; nặng hơn thì vết thương lở loét, chảy nước, thậm chí bị nhiễm trùng. Hoa Lài |
mùa nóng, chống nắng, kem chống nắng, loạn mỹ phẩm chống nắng