Tiêu dùng

Hạ trần lãi suất huy động, lãi suất cho vay có “mềm” hơn?

PNO - Sau ba ngày hạ trần lãi suất (LS) huy động ngắn hạn (kỳ hạn dưới sáu tháng) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh từ 7% xuống 6%/năm,

Hạ trần LS huy động, nhưng LS cho vay vẫn chưa giảm (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Cho đến thời điểm này, ghi nhận tại các NH lớn như Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank)… mức LS thấp nhất thuộc về kỳ hạn một tháng với mức 5%/năm. Các kỳ hạn gửi hai, ba đến năm tháng được các NH niêm yết từ 5,5-5,8%/năm. Không chỉ giảm LS huy động ở các kỳ hạn ngắn, những kỳ hạn trung và dài hạn cũng được các NH này giảm nhẹ, từ 0,3-0,5%. Bên cạnh các NH quốc doanh giảm LS kỳ hạn dài, ở khối NH cổ phần, kỳ hạn này cũng giảm theo, dao động từ 7,1-8,9%/năm.

Theo giải thích của nhiều NH thì họ giảm LS huy động ở những kỳ hạn trung và dài hạn nhằm cơ cấu lại nguồn vốn. Tuy nhiên, nguyên nhân chính của việc này đến từ sự “chuyển dịch” của người dân trong việc gửi tiền tiết kiệm từ kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn trung và dài. Theo nhận xét của một nhân viên tín dụng ở NH Á Châu (ACB), sự chuyển dịch này là không lớn và chủ yếu đến từ những người có tiền nhàn rỗi. Những người kinh doanh thường gửi kỳ hạn một đến ba tháng khi vốn của họ chưa đến kỳ nhập hàng hay đầu tư, nếu gửi kỳ hạn dài, khi cần tiền rút trước hạn thì họ sẽ bị thiệt bởi họ chỉ được hưởng LS không kỳ hạn.

Về LS cho vay, theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, việc NHNN giảm LS huy động là nỗ lực liên tục từ nhiều năm nay, phù hợp với việc kéo giảm lạm phát. Tuy vậy, chưa thấy NHNN có quy định gì về LS cho vay. Việc giảm LS đầu ra vẫn tùy thuộc vào các NH trong việc cạnh tranh. Theo công thức bình thường thì LS huy động cộng với 3% sẽ thành LS cho vay. 3% này bao gồm cả lợi nhuận và chi phí. Tuy nhiên, nếu so mức này với các nước trong khu vực (3%/năm) thì vẫn còn rất cao, dù từ hai năm qua, NHNN đã cố gắng kéo giảm LS đầu ra từ 21% xuống hơn 10% như hiện nay. Để doanh nghiệp cũng như người dân quay lại vay vốn NH, không chỉ là hạ LS đầu ra, mà phải tạo được niềm tin giữa hai bên để khơi thông nguồn vốn, đẩy sản xuất kinh doanh đi lên.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, nếu mục tiêu kiềm chế lạm phát càng rõ nét hơn thì LS huy động có thể duy trì ở mức 5-6%, tạo điều kiện giảm LS cho vay. “Điều quan trọng hiện nay là phải giữ LS thấp đồng thời ổn định trong thời gian dài, nhà đầu tư mới sẵn sàng vay trung, dài hạn để đầu tư sản xuất”, ông Ngân nói.

Ca Hảo

www.phunuonline.com.vn

lãi suất, ngân hàng, cho vay, lãi suất cho vay


© 2021 FAP
  326,373       2/1,135