Tiêu dùng

Thị trường đồ chơi Việt Nam: dấu hiệu khởi sắc

PN - Thị trường đồ chơi “made in Việt Nam”, với sự tham gia của hơn chục doanh nghiệp lớn nhỏ, hiện đã phủ sóng được một số kênh phân phối trở thành một tín hiệu vui.

Phủ sóng nhiều kênh bán hàng

Gần đây, các quầy đồ chơi của nhiều hệ thống siêu thị như Co-op Mart, Big C, Maximark xuất hiện nhiều mẫu đồ chơi “made in Việt Nam”. Thậm chí, có nơi chỉ chuyên bán các loại đồ chơi xuất xứ Việt Nam như cửa hàng Ngọc Hoa trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5, TP.HCM). Các thương hiệu nhựa Chợ Lớn, Thành Lộc, Nhân Anh, Khánh Xương…, mỗi thương hiệu có hàng chục mẫu mã khác nhau, từ đồ chơi phương tiện giao thông bằng nhựa dành cho bé trai đến các túi đồ hàng của bé gái, mô hình lắp ráp… Hầu hết các sản phẩm có màu sắc tươi sáng, chi tiết sắc nét và hướng đến mục tiêu giáo dục, giá cả cũng khá mềm, chỉ khoảng từ 30.000đ-150.000đ/bộ sản phẩm. Tất cả các sản phẩm trong hệ thống siêu thị đều được đóng dấu hợp quy CR của một số tổ chức chứng nhận trong nước. Để tăng thêm niềm tin cho người tiêu dùng, một số thương hiệu còn in cả kết quả kiểm nghiệm đạt chuẩn lên từng sản phẩm.

Chọn cho con bộ xếp hình của một thương hiệu Việt bán tại siêu thị Co-op Mart, chị Hoa (Q.3, TP.HCM) cho biết: “Bộ xếp hình này đẹp, giá mua được. Tôi từng mua một bộ với chủ đề khác, bé rất thích. Đâu dám mua đồ chơi Trung Quốc (TQ) vì không an toàn, trước đây tôi toàn phải đợi mấy cửa hàng bán đồ chơi nhập từ Mỹ hoặc châu Âu giảm giá 50-70% mới dám mua”.

Tại một số quầy bán sỉ đồ chơi trên các đường Phan Văn Khỏe, Tháp Mười, Ngô Nhân Tịnh, Chu Văn An, quanh khu vực chợ Bình Tây (Q.6) còn có thêm sản phẩm đồ chơi của một số cơ sở ở Q.5, Q.6, Q.11, Q.Bình Tân như: Vĩnh Phát, Trí Hảo, Đức Thiện, Minh Ký, Thành Phát, Phong Nguyên, Nghĩa Phát… Tuy nhiên, mỗi cơ sở chỉ có được vài sản phẩm: túi trái cây hoặc bộ đồ hàng, búp bê hay bowling, xe, trực thăng. Kiểu dáng và màu sắc của đa số sản phẩm ở đây không được đẹp như hàng bán trong các hệ thống siêu thị.

Với khoảng gần 10 nhãn hiệu khác nhau, đồ chơi gỗ Việt Nam cũng tạo được dấu ấn trên thị trường đồ chơi ở phân khúc trung cấp. Nhiều mẫu mã đẹp, giá trị giáo dục cao nhưng giá khá cao, đa phần trên

100.000đ/sản phẩm, nên loại đồ chơi này còn kén người mua.

Phụ huynh chọn mua đồ chơi Việt Nam cho con

Để người Việt dùng đồ chơi Việt an toàn

Tuy chỉ chiếm thị phần rất nhỏ nhưng sự xuất hiện của đồ chơi Việt Nam đã cho thấy dấu hiệu khởi sắc của ngành sản xuất đồ chơi trong nước. Người tiêu dùng đã có thêm sự lựa chọn bên cạnh “ma trận” hàng đồ chơi TQ.

Tham gia lĩnh vực sản xuất đồ chơi cho trẻ em từ sơ sinh đến 10 tuổi đã gần 20 năm, doanh nghiệp Nhựa Chợ Lớn đã đưa ra thị trường khoảng 800 mẫu mã. Ông Võ Văn Đức Bảy, Phó giám đốc doanh nghiệp này cho biết: “Để giành được một góc thị phần đồ chơi, chúng tôi đã gặp không ít khó khăn. Một mặt phải đối đầu với “ông lớn” TQ, mặt khác vấp phải sự cạnh tranh không lành mạnh của nhiều cơ sở trong nước. Họ không cần gầy dựng thương hiệu, đầu tư mẫu mã mà chỉ “chớp” lấy những mẫu bán chạy của các đơn vị có thương hiệu rồi làm nhái, làm ẩu, bán với giá rẻ. Dù vậy, Nhựa Chợ Lớn vẫn quyết tâm sản xuất đồ chơi theo quy trình ISO 9001 và theo quy chuẩn quốc gia (Quatest 3 chứng nhận), sản phẩm được kiểm soát từ khâu nguyên liệu đầu vào đến quy trình sản xuất và thành phẩm, bảo đảm không gây độc hại cho người dùng.

Với đồ chơi gỗ, sở dĩ giá thành vẫn còn tương đối cao, theo ông Lê Hồng Thắng, Tổng giám đốc Công ty Gỗ Đức Thành là vì “nguyên vật liệu đầu vào có giá rất cao (gỗ, nước sơn), các mẫu mã được thiết kế phải đảm bảo an toàn, không có cạnh góc nhọn, phù hợp với từng độ tuổi".

Theo ông Hoàng Lâm, Phó giám đốc Quatest 3, những sản phẩm có đóng dấu hợp quy CR của Quatest 3 nghĩa là chất lượng sản phẩm đã được trung tâm kiểm soát cả quy trình sản xuất, từ khâu nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm, bảo đảm chất lượng đồ chơi phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn đồ chơi trẻ em QCVN 3:2009/BKHCN.

Vẫn cần tỉnh táo khi lựa chọn

Tạm thời có thể yên tâm với những đồ chơi đã được đóng dấu chất lượng vì có tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, tư vấn trên bao bì sản phẩm; đồng thời có những giấy tờ chứng minh chất lượng sản phẩm cho các kênh phân phối (nếu người tiêu dùng yêu cầu xem).

Tuy nhiên, trên thị trường vẫn có những hàng "made in Việt Nam" không có dấu chứng nhận, thậm chí không có tên thương hiệu. Chủ cửa hàng bán sỉ đồ chơi Ngọc Hoa cho biết: “Khi mua sỉ, nếu có nhu cầu, khách hàng sẽ được giao bản photo giấy chứng nhận chất lượng của một số loại đồ chơi. Nhưng nếu muốn có giấy chứng nhận của tất cả các loại thì không thể. Nhiều nơi họ chỉ sản xuất, không đăng ký chất lượng”.

Do vậy, người tiêu dùng cần đọc kỹ các thông tin sản phẩm trước khi mua, bởi không phải tất cả đồ chơi Việt Nam đều có chứng nhận đạt chuẩn.

Ông Nguyễn Tiến Cường, Trung tâm Nghiên cứu vật liệu polymer, ĐH Bách Khoa TP.HCM, lưu ý: nhựa loại 2 hay còn gọi là nhựa tái sinh, thường sẽ tạo ra sản phẩm có màu sắc không thật như nhựa chính phẩm. Theo quy định của các nước phát triển, loại nhựa này không được dùng để sản xuất đồ chơi vì có khả năng gây độc. Do vậy, không nên chọn những đồ chơi có màu không thật vì nhiều khả năng được làm từ nhựa tái sinh.

 An Hà

www.phunuonline.com.vn

Thị trường đồ chơi Việt Nam, dấu hiệu khởi sắc


© 2021 FAP
  326,479       4/1,121