PN - Hôm qua (11/2), Vinamilk đã chính thức tăng giá sữa, với mức tăng từ 6 - 10%. Trước đó, ngày 10/2, Nutifood cũng thông báo tăng giá ở mức này.
Bà chủ đại lý sữa số 69 đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh xác nhận, thông thường, khi một hãng tăng giá thì các hãng khác cũng đồng loạt tăng theo. Nhãn hiệu Cô gái Hà Lan (FrieslandCampina Vietnam) đã ra thông báo sắp điều chỉnh giá. Theo lời chủ đại lý này, trước Tết, Mead Johnson đã tăng 7%; Abbott thì “chia nhỏ” thành các đợt tăng giá… Trong các thông báo điều chỉnh giá sữa mà nhà sản xuất thường phân phối gửi cho đại lý đều có chung lý do là giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là bột sữa nhập khẩu.
Hiện một số dòng sản phẩm sữa có mức tiêu thụ cao đã có giá bán mới. Cụ thể: Similac Gain IQ của Abbott từ 498.000đ/lon (900g), tăng thêm khoảng 5.000 - 6.000đ/lon; sữa bột dành cho trẻ từ một đến ba tuổi của NutiFood có giá phổ biến từ 180.000 - 183.000đ/lon; sữa chua Vinamilk 22.000đ/vỉ (bốn hũ) tăng 2.500đ/vỉ… Thực tế, nhiều nhãn sữa đã tăng từ trước Tết. Đại diện Abbott khẳng định, những sản phẩm gọi là tăng thực chất là do gỡ bỏ chính sách hỗ trợ khách hàng khi tháng 7/2013 Abbott ra sản phẩm mới, chứ hoàn toàn không tăng giá. Tương tự, Mead Johnson cho biết, đến thời điểm này chưa có thông báo tăng giá từ công ty mẹ, thậm chí sẽ cố gắng giữ giá trong năm 2014. Riêng với thông tin Cô gái Hà Lan sẽ điều chỉnh giá, ông Trương Văn Toàn, Giám đốc Đối ngoại và pháp lý Công ty FrieslandCampina Vietnam cho biết, nhiều khả năng tăng giá, nhưng hiện vẫn chưa điều chỉnh tăng như tin đồn của các đại lý.
Khách hàng chọn mua sữa ở khu vực đường Nguyễn Thông, Q.3 - Ảnh: P.Huy
Phía Công ty Nutifood cho rằng, trước tình hình kinh tế còn khó khăn, doanh nghiệp cũng rất lo sẽ giảm doanh thu, việc tăng giá là bất đắc dĩ vì đã quá mức chịu đựng của doanh nghiệp, khi nguyên liệu đã tăng đến 30-40% cách đây mấy tháng. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang - Trưởng ban Đối ngoại Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) phân tích, đầu năm 2014, nhiều nhà cung cấp nguyên liệu sữa trên thế giới vẫn tiếp tục tăng giá nguyên vật liệu và chỉ đồng ý cung cấp nguyên liệu ngắn hạn cho các nhà nhập khẩu. Ngay cả với Vinamilk, ưu thế của những năm trước là ký được hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu cho cả năm, cũng rơi vào cảnh tương tự, không ký được hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho sản xuất cả năm. Từ đầu năm 2014, giá các nguyên liệu chính (bột sữa, dầu bơ) trên thị trường thế giới đã tăng thêm từ 30% - 57% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: bột sữa gầy tăng khoảng 1.250 USD/tấn (hàng nhập về đến TP.HCM) so với cùng kỳ năm 2013 (từ 3.650 USD/tấn lên 4.900 USD/tấn), tương đương tăng 34%; bột sữa béo tăng khoảng 1.555 USD/tấn (hàng nhập về đến TP.HCM) so với cùng kỳ năm 2013 (từ khoảng 3.600 USD/tấn lên 5.155 USD/tấn), tương đương tăng 43%; dầu bơ tăng khoảng 2.096 USD/tấn (hàng nhập về đến TP.HCM) so với cùng kỳ năm 2013 (từ 3.650 USD/tấn lên 5.746 USD/tấn), tương đương tăng 57%. Trong nước, giá thu mua sữa tươi nguyên liệu từ nông dân cũng tăng. Tính đến đầu năm 2014, Vinamilk đã tăng giá thu mua cho nông dân bình quân khoảng 22,6% so với đầu năm 2013 (từ 11.175đ/kg lên 13.700đ/kg). Trước tình hình nguyên liệu sữa thế giới biến động như trên, doanh nghiệp cho rằng khó tránh khỏi việc ảnh hưởng đến sản xuất sữa trong nước, vì nguồn nguyên liệu sản xuất chủ yếu vẫn là nhập khẩu.
Trước việc loạn thông tin tăng giá sữa, cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ lý do tăng giá có hợp lý chưa, vì thông tin thiếu kiểm soát sẽ làm người tiêu dùng lo lắng trữ hàng, có khả năng dẫn đến việc sử dụng hàng cận "đát", đại lý thì bỏ vốn ra nhiều để gom hàng… vừa không có lợi, vừa gây xáo trộn thị trường.
Thư-Nam
giá sữa tăng, giá nguyên liệu tăng