Tiêu dùng

Độc hại như… “vũ nữ chân dài”

PN - Thơm giòn, khoái khẩu, khô nhái đã nhanh chóng trở thành đặc sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long và được gọi vui là: “vũ nữ chân dài”.

Đặc sản… bẩn

“Cận Tết, khô nhái đắt lắm, hết hàng cả tuần nay rồi", bà Hai Đặng, chủ cơ sở Hai Đặng chuyên bán khô nhái cạnh chợ biên giới Tịnh Biên (khóm An Hòa, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, An Giang) đã làm tôi băn khoăn vì không thực hiện được lời hứa tặng “vũ nữ chân dài” cho người bạn Sài Gòn ăn Tết. Nghe đâu khô nhái bán ở cơ sở Hai Đặng được sản xuất ở Thái Lan với công nghệ bí truyền. Khi rang, khô nhái phảng phất mùi “gà đồng” pha lẫn với vị ớt thơm nồng… Bà Hai Đặng tìm cách “cứu bồ”: “Nghe đâu ở trong núi cũng có một xóm làm khô nhái, chú vào thử”. Đó là một xóm vài chục hộ dân ở ấp Vĩnh Hạ, xã Vĩnh Trung (huyện Tịnh Biên). Tương tự vùng An Phú, Châu Đốc… tại đây, ngoại trừ một số hộ sản xuất với quy mô lớn, việc chế biến khô nhái ở các hộ sản xuất nhỏ lẻ gần như không mấy quan tâm đến vấn đề vệ sinh. Không chỉ sử dụng đôi tay trần trụi trong suốt quá trình tẩm ướp, sắp xếp, nhiều hộ còn phơi nhái bằng vạt tre và lưới cước mỏng ngay trên vệ đường.

Thêm một điều đáng ngại, nhiều hộ đã tận dụng ớt héo úa chi chít những vệt màu đen để tẩm ướp. Theo ThS Nguyễn Phước Tuyên (Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và thông tin-Sở NN-PTNT Đồng Tháp), đó là dấu hiệu của độc chất aflatoxins, có khả năng gây ung thư nhiều nhất trong nhóm độc tố mycotoxins, loại hóa chất không bị phân hủy khi nấu hay chế biến. Mặt khác, do đặc tính sống ven ruộng lúa, môi trường ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật và thường xuyên ăn côn trùng đã bị phun nhiều loại hóa chất nên bản thân con nhái đã tiềm ẩn nhiều độc chất…

Cận cảnh một điểm chế biến nhái với công nghệ tay trần và phơi trên nền cát

Ngon nhất thời, hại dài lâu

Do khô nhái đang đắt hàng nên nghề săn bắt nhái cũng “ăn nên làm ra”. Anh Trần Quốc Đạt, người có nhiều năm trong nghề bắt nhái ở ấp Vĩnh Hạ, xã Vĩnh Trung đã khiến tôi sửng sốt khi “bật mí” về đội quân khủng săn bắt nhái chuyên nghiệp: “Chỉ trong xóm này đã có cả trăm người sống bằng nghề bắt nhái. Quanh năm tụi em đi khắp các cánh đồng lúa trong tỉnh, còn sang tận Kiên Giang để bắt”. Theo lời của Đạt, nhờ có công cụ tự chế nên việc bắt nhái hiện nay rất dễ dàng. Bình quân mỗi người bắt khoảng 10-15kg/đêm, cá biệt có hôm lên đến 20kg.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện ở An Giang có nhiều đội quân săn bắt nhái ở các huyện Tri Tôn, Châu Thành, Châu Phú, Phú Tân… Trước tình trạng này, nhiều nhà nông học đã cảnh báo: Nếu không có giải pháp điều tiết, sẽ tác động tiêu cực đến sinh trưởng và năng suất lúa, và quan trọng hơn còn làm mất cân bằng sinh thái. ThS Nguyễn Phước Tuyên phân tích: Nhái là loại động vật lưỡng cư, sống ven bờ ruộng. Chúng là khắc tinh của côn trùng phá hại ruộng lúa, nhất là rầy nâu - côn trùng thường chích hút ở phần gốc lúa… Nhái còn mang lại lợi ích cho việc chăn nuôi trâu bò thông qua việc diệt côn trùng chích hút máu trâu bò. Vì vậy, nếu săn bắt theo kiểu tận diệt như hiện nay, không chỉ dễ gây bột phát dịch hại trên ruộng lúa mà còn phá vỡ cân bằng sinh thái với nhiều hậu quả khó lường.

 Tùng Hương

www.phunuonline.com.vn

độc hại, vũ nữ chân dài


© 2021 FAP
  260,743       9/844