Pháp luật

Từ thương vụ mua bán Trustbank đến đại án 9.000 tỷ đồng

Mua lại Trustbank với mục tiêu thâu tóm các ngân hàng yếu kém, cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm "đá" lại cho ông Phạm Công Danh khi nhận ra nguy cơ thua lỗ.

Đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu và sát nhập các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) hoạt động yếu kém.

Theo cơ quan điều tra, chủ tịch Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) muốn thâu tóm một số ngân hàng TMCP nên gặp bà Hứa Thị Phấn - đại diện nhóm cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank) - đặt vấn đề mua lại nhà băng này.

Tháng 2 năm đó bà Phấn để người cháu (phó Tổng giám đốc Trustbank) đại diện cho nhóm cổ đông của mình, ký hợp đồng bán gần 85% cổ phần với giá gần 4.500 tỷ đồng cho ông Hà Văn Thắm, kèm theo việc kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ và quyền được sở hữu tài sản bảo đảm từ các khoản vay hơn 3.500 tỷ đồng, khoản đầu tư 920 tỷ đồng và một số nghĩa vụ khác của bà Phấn. 

tu-thuong-vu-mua-ban-trustbank-den-dai-an-9000-ty-dong

Cựu chủ tịch OceanBank đang bị cáo buộc phạm 3 tội danh trong quá trình điều hành ngân hàng này.  

Sau khi cho người vào tiếp quản điều hành, ông Thắm phát hiện ngân hàng này có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi cũng như nhiều mối quan hệ phức tạp giữa bà Phấn và các nhóm khách hàng... nên muốn bán lại cho người khác. 

Qua giới thiệu, ông Thắm gặp ông Phạm Công Danh (Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh) đặt vấn đề muốn nhượng lại Trustbank. Đang ấp ủ giấc mơ có một ngân hàng chuyên biệt phục vụ cho ngành xây dựng, ông Danh đồng ý mua. Đầu tháng 10/2012, bà Phấn ký lại hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho ông Danh với giá hơn 4.600 tỷ đồng.

Được Ngân hàng Nhà nước cho phép tham gia tái cơ cấu, ông Danh sau đó đổi tên ngân hàng này thành Ngân hàng Xây dựng - VNCB. 

Nhà chức trách xác định, cuối năm đó ông Thắm, Danh và bà Phấn thống nhất việc ông Thắm sẽ cho ông Danh vay 500 tỷ đồng từ OceanBank và thế chấp bằng tài sản của bà Phấn. Số tiền này ông Danh chuyển lại để tất toán cho 5 khoản vay của nhóm bà Phấn tại Trustbank và được ghi nhận vào việc ông Danh trả tiền mua cổ phần của nhóm bà Phấn. 

Hợp đồng vay mượn này được thực hiện thông qua pháp nhân của Công ty TNHH một thành viên Trung Dung (công ty con của Thiên Thanh). Giám đốc công ty này - Trần Văn Bình (vốn lá lái xe, được ông Danh nhờ đứng tên pháp lý) đã ký hợp đồng vay. Tổng tài sản đảm bảo cho khoản vay này chỉ khoảng hơn 70 tỷ đồng.

Cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm và thuộc cấp tham gia phê duyệt hợp đồng này đã không thẩm định các tài sản dẫn đến thiệt hại cho OceanBank. Cơ quan điều tra xác định, trừ đi các tài sản bảo đảm, Oceanbank bị thiệt hại hơn 343 tỷ đồng từ hợp đồng cho ông Danh vay.

Tuy nhiên, ông Danh khai ngoài số tiền 4.600 tỷ đồng phải trả cho bà Phấn để mua lại Trustbank, ông còn phải trả cho ông Thắm 500 tỷ đồng phí môi giới mua ngân hàng này. 

tu-thuong-vu-mua-ban-trustbank-den-dai-an-9000-ty-dong-1

Ông Danh và đồng phạm đang bị đưa ra phúc thẩm. Ảnh: H. D. 

Theo kết quả kiểm toán, đến cuối năm 2012, sau nửa năm tiếp nhận VNCB, lỗ lũy kế của ngân hàng này đã tăng lên 8.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là âm 5.000 tỷ. Một năm sau đó, kết quả kinh doanh của VNCB lỗ lũy kế là 11.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là âm 8.000 tỷ. Đến thời điểm khởi tố vụ án, vốn chủ sở hữu âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.000 tỷ đồng.

Trong giai đoạn một của quá trình điều tra, ông Danh được cho là đã chỉ đạo cho cấp dưới thực hiện hàng loạt sai phạm trong quản lý kinh tế cũng như vi phạm quy định về cho vay dẫn đến thiệt hại 9.000 tỷ đồng.

Hồi tháng 9, TAND TP HCM xử sơ thẩm tuyên phạt ông Danh 30 năm tù và buộc trả lại 6.000 tỷ đồng. Các cấp dưới Phan Thành Mai (45 tuổi, nguyên Tổng giám đốc VNCB) nhận 22 năm tù; Mai Hữu Khương 20 năm tù; Hoàng Đình Quyết 19 năm tù. Với vai trò đồng phạm, 32 bị cáo khác chịu mức án từ 3 năm cho hưởng án treo đến 9 năm tù.

Liên quan đến những sai phạm trong thời gian điều hành Trustbank, HĐXX cho rằng bà Phấn có nhiều hành vi sai phạm làm nhà băng này bị âm vốn chủ sở hữu lên tới hơn 2.800 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 6.600 tỷ. Trước khi ông Danh tiếp quản ngân hàng, bà Phấn được cho đã sử dụng 29 cá nhân vay tiền (có thế chấp hoặc không thế chấp) để lấy tiền Ngân hàng Đại Tín mà mình có vốn cổ phần. Toà cũng công bố quyết định khởi tố vụ án về những sai phạm của Hội đồng tín dụng Trustbank thời điểm trước khi chuyển giao cho ông Danh.

Cựu Chủ tịch VBCN sau đó kháng cáo xin giảm nhẹ và xin xem xét lại tội danh. Ông cũng đề nghị thu hồi 3.600 tỷ đồng đã trả cho bà Phấn để mua lại Trustbank. 

Ngày 27/12, TAND Cấp cao đã mở phiên phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của ông Danh, đồng phạm và những người liên quan. Trong lần xử phúc thẩm này, ông đề nghị tòa cho triệu tập cựu Chủ tịch OceanBank, bà Phấn đến tòa để đối chất làm rõ các nội dung liên quan đến việc chuyển giao ngân hàng và các khoản tiền.

Đối với cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm, cơ quan điều tra xác định, ngoài việc sai phạm trong thương vụ mua bán Trustbank với ông Danh dẫn đến thiệt hại cho OceanBank, ông bị cho là trong quá trình chỉ đạo điều hành các hoạt động của ngân hàng đã có nhiều vi phạm, gây nợ xấu tới hơn 14.000 tỷ đồng. Đến tháng 5/2015, Ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại với giá 0 đồng và chuyển đổi thành Ngân hàng Thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đại Dương.

Hải Duyên 

VNExpress

Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh, đại án nghìn tỷ, thâu tóm ngân hàng


© 2021 FAP
  2,848,244       1/291