Pháp luật

Ngân hàng thiệt hại nghìn tỷ do sếp ưu ái người vay

Dù hồ sơ thế chấp không đầy đủ, phương án kinh doanh chưa thấy hiệu quả, Liên doanh Lifepro Việt Nam vẫn được ngân hàng giải ngân hàng chục triệu USD tiền vay.

Ngày 20/12, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục ngày thứ ba xét xử vụ thất thoát nghìn tỷ xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank).

HĐXX công bố tài liệu cho thấy Công ty Enzo do 5 người nước ngoài đã làm hồ sơ vay tín dụng vay gần 900 tỷ đồng của Agribank Ninh Bình. Năm 2011, Enzo Việt đổi tên thành Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam, dự án Dệt - Nhuộm – May của họ đổi thành tên Luxfashion và tiếp tục đề nghị Agribank Nam Hà Nội cho vay.

Tổng số tiền Agribank Ninh Bình và Agribank Nam Hà Nội giải ngân cho Enzo Việt (Liên doanh Lifepro Việt Nam) là gần 3.000 tỷ đồng song đã bị 5 người nước ngoài chiếm đoạt.

ngan-hang-thiet-hai-nghin-ty-do-sep-uu-ai-nguoi-vay

Bị cáo Phạm Thanh Tân. Ảnh chụp qua màn hình.

Chủ toạ công bố lời khai của bị cáo Đỗ Tiến Long (vắng mặt do bị bệnh, cựu cán bộ tín dụng Agribank Nam Hà Nội), cho thấy việc cho vay 9 triệu USD đã được trưởng phòng tín dụng Phạm Thị Thu Hiền và Giám đốc Agribank Nam Hà Nội - Phạm Thị Bích Lương ưu ái. Trong khi trước đó, ông Long đã có báo cáo về mức tín dụng của Enzo đã hết hạn mức, các sản phẩm của công ty này chưa xuất khẩu được.

Năm 2010, Agribank lại nâng mức tín dụng cho Enzo Việt dù không có tài sản thế chấp. Năm 2011, giám đốc Lương họp với một số cán bộ và trình bày về dự án Luxfashion (lúc này Enzo Việt đổi thành Liên doanh Lifepro Việt Nam), chỉ đạo giải ngân tiền chuyển nhượng 6 thương hiệu của liên doanh Lifepro Việt Nam.

Có mặt tại cuộc họp ở Thái Lan, Long nghe chủ đầu tư người nước ngoài nói nếu Agribank không giải ngân việc sản xuất sẽ khó khăn. Từ phàn nàn này của chủ đầu tư cùng với việc đề nghị nâng mức hạn tín dụng, năm 2011, Agribank Nam Hà Nội đã chuyển 15 triệu USD qua ngân hàng nước ngoài để giải ngân cho Liên doanh Lifepro mua 6 thương hiệu.

Về dự án Luxfashion, bà Lương có gửi file mềm cho cấp dưới xem xét từng hạng mục nhà xưởng… để Phòng tín dụng của chi nhánh biết. Sau đó, Long cùng với một số cán bộ tín dụng đã giải ngân cho Liên doanh Lifepro Việt Nam chuyển nhượng 6 thương hiệu, tiền mua nguyên vật liệu… tới gần 91 triệu USD.

Tuy nhiên phía công ty không cung cấp được tài liệu liên quan đến 6 thương hiệu chuyển nhượng. Đến nay, ngân hàng cũng chưa xác định được Liên doanh Lifepro có quyền bảo hộ 6 thương hiệu trên hay không.

Đại diện Agribank tại toà phúc thẩm cho hay, sau khi nhận tờ trình nâng hạn mức tín dụng của chi nhánh Nam Hà Nội, các thành viên trong HĐQT (trong đó có Tổng giám đốc Phạm Thanh Tân) thống nhất 100% đồng ý. Việc đồng ý để Agribank Nam Hà Nội nâng mức hạn tín dụng cho Liên doanh Lifepro Việt Nam là do chi nhánh này có báo cáo thẩm định với Hội sở.

Một năm sau giải ngân, Agribank đã lập đoàn kiểm tra, trước thời điểm đó có 2 đoàn (năm 2008-2010) đã phát hiện một số thiếu sót của Liên doanh Lifepro Việt Nam. Tại biên bản kiểm tra năm 2012, Agribank nêu rõ dù nhận giải ngân 50 triệu USD nhưng Liên doanh Lifepro Việt Nam chưa đặt cọc tiền (hơn 24 triệu USD) để mua thương hiệu. 

Dự kiến phiên phúc thẩm mở theo kháng cáo của ông Phạm Thanh Tân (58 tuổi, cựu tổng giám đốc Agribank), Phạm Thị Bích Lương (50 tuổi, cựu giám đốc Agribank Nam Hà Nội) cùng 11 cán bộ ngân hàng dự kiến diễn ra đến hết ngày 25/12.

Việt Dũng

VNExpress

đại án, Agribank, giải ngân, sai phạm, chuyển nhượng, nâng hạn mức tín dụng


© 2021 FAP
  2,851,357       2/1,192