Pháp luật

Tướng quân đội nói về quy định sử dụng vũ khí

Luật nên quy định cụ thể từng trường hợp được nổ súng để tránh lạm dụng hoặc do dự trong khi thi hành nhiệm vụ của cảnh vệ.

Thảo luận về dự Luật Cảnh vệ chiều 21/11, nhiều đại biểu là tướng lĩnh quân đội đã góp ý kiến về quy định Sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ (Điều 23).

Thiếu tướng Dương Đình Thông (Bắc Giang) cho rằng quy định nổ súng là hành vi cần thiết nhưng cần chặt chẽ và cụ thể để bảo đảm quyền thực thi nhiệm vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ vừa không vi phạm quyền con người, quyền công dân. Điều này cần làm rõ hơn trong dự luật.

tuong-quan-doi-noi-ve-quy-dinh-su-dung-vu-khi

Thiếu tướng Dương Đình Thông phát biểu tại phiên thảo luận chiều 21/11. Ảnh: Giang Huy.

Theo tướng Thông, luật cần quy định cụ thể trong trường hợp bị tấn công thế nào thì sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. “Tôi đề nghị dự thảo cần quy định phân biệt theo hướng đối tượng cảnh vệ, nổ súng để bảo vệ yếu nhân, nổ súng để bảo vệ sự kiện khu vực cảnh vệ, nổ súng khi thực hiện công vụ có tổ chức và thực hiện độc lập", ông nói.

Thượng tướng Nguyễn Văn Được (Hà Nội) cho rằng, sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ phải được quy định chặt chẽ, cụ thể, không nên quy định dẫn chiếu và luật khung. Luật nên quy định cụ thể cho từng trường hợp được nổ súng để tránh lạm dụng hoặc do dự trong khi thi hành nhiệm vụ của cảnh vệ, nhưng trong điều 23 của dự thảo "vẫn chưa quy định cụ thể". Do vậy việc này cần được nghiên cứu chỉnh lý lại dự thảo về nội dung cho chặt chẽ trường hợp thế nào mới được nổ súng, trường hợp nào không được.

tuong-quan-doi-noi-ve-quy-dinh-su-dung-vu-khi-1

Thượng tướng Nguyễn Văn Được góp ý kiến vào dự luật Cảnh vệ. Ảnh: Giang Huy.

Về vấn đề nổ súng tiêu diệt người có hành vi tấn công đối tượng cảnh vệ hoặc hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ đang làm nhiệm vụ, ông cho rằng nếu không trong tình thế khẩn cấp, cấp bách, không nguy hiểm mà còn cách khác để ngăn chặn thì nổ súng là “không ổn”.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, Ban soạn thảo dự kiến sẽ chỉnh lý Điểm c, Khoản 2, Điều 23 của dự thảo luật về trường hợp nổ súng, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của lực lượng cảnh vệ theo hướng tiếp thu ý kiến đại biểu, quy định cụ thể, đảm bảo quyền công dân và tạo điều kiện để lực lượng cảnh vệ hoàn thành nhiệm vụ.

Dự luật cảnh vệ dự kiến được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3.

Điều 23 (Dự thảo Luật cảnh vệ): Sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ

1. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh vệ được sử dụng vũ khí để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

2. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh vệ chỉ được nổ súng trong các trường hợp dưới đây nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc về nổ súng quy định tại Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ:

a) Để cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ;

b) Để gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn cảnh báo nhưng không hiệu quả;

c) Để tiêu diệt đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ;

d) Các trường hợp nổ súng khác quy định tại Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Võ Hải

VNExpress

Tướng quân đội, quy định sử dụng vũ khí, Luật cảnh vệ, Bộ trưởng Công an, ông Tô Lâm, kỳ họp Quốc hội.


© 2021 FAP
  2,860,842       18/1,714