Pháp luật

Ông Danh đề nghị thu hồi hơn 9.000 tỷ để khắc phục hậu quả

Cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng mong tòa thu hồi 3.600 tỷ đã bỏ ra mua nhà băng và 5.490 tỷ trước đó trả nợ cho ông Trần Quý Thanh.

Ngày 30/8, phiên xử ông Phạm Công Danh (52 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng - VNCB, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh) và 35 đồng phạm gây thất thoát 9.000 tỷ đồng kết thúc phần tranh luận.

Là người đầu tiên được gọi lên nói lời sau cùng, ông Danh nhiều lần cảm ơn HĐXX, VKS trong những ngày qua đã làm rõ nhiều vấn đề của vụ án. Ông mong tòa xem xét cho những bị cáo làm việc ở Tập đoàn Thiên Thanh vì họ chỉ là người làm công ăn lương, được ông thuê đứng tên làm giám đốc. Họ đã tin tưởng ông và làm việc một cách tự giác. Ông cũng xin xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các cựu cán bộ, nhân viên Ngân hàng Xây dựng.

"Dù tôi không trực tiếp chỉ đạo nhưng họ đã nỗ lực làm việc hết mình với hy vọng sẽ vực dậy ngân hàng. Họ lao vào làm việc để rồi hôm nay phải đứng trước tòa. Họ không có vụ lợi gì ngoài niềm tin ngân hàng sẽ hoạt động ổn định trở lại", ông Danh nói.

ong-danh-de-nghi-thu-hoi-hon-9000-ty-dong-de-khac-phuc-hau-qua

Các bị cáo nói lời sau cùng. Ảnh: H. Đ. 

Cựu chủ tịch VNCB giãi bày, bản thân đã bỏ vào ngân hàng này rất nhiều tiền, ngay cả khi nó đang do những người trước đó (ông Hà Văn Thắm và những người khác) lãnh đạo. Ông và các cộng sự đã cố gắng không ngừng, cầm cự trong gần 3 năm không để bị mất thanh khoản, giữ vững an ninh tiền tệ.

"Tôi có nguyện vọng tha thiết không gì ngoài mong muốn được khắc phục hậu quả. Đối với khoản tiền 3.600 tỷ đồng chuyển vào tài khoản của bà Hứa Thị Phấn, tôi đề nghị HĐXX xem xét thu hồi lại để khắc phục hậu quả", ông Danh nói. Bị cáo đồng thời đề nghị tòa thu hồi 5.490 tỷ đồng đã giải ngân cho bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát) và sau đó chuyển trả nợ vào tài khoản ông Trần Quý Thanh (bố bà Bích).

Ông cho biết, bản thân được kế thừa sự nghiệp và truyền thống của gia đình, từ người cha là thương binh năm nay đã 80 tuổi. Bản thân cũng được nhiều bằng khen của chính quyền các địa phương trong việc đóng góp cho xã hội... Một lần nữa ông Danh cảm ơn tòa, VKS xem xét việc trả lại căn nhà vợ con ông đang ở bởi nó được vợ chồng ông gây dựng trước đó. Bản thân ông không lấy một đồng nào từ VNCB để sử dụng, hoàn toàn không có mục đích cá nhân mong tòa công tâm xem xét.

Đến lượt mình, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) nghẹn giọng cho biết, 25 tháng qua ngày nào cũng sống trong day dứt vì được nhà nước cho đi học nhưng lại trở thành người phạm tôi. Trong 15 năm về Việt Nam làm việc, ông luôn khát khao được cống hiến nhưng cuộc đời khiến ông luôn phải đặt mình ở những vị trí "đầu sóng ngọn gió".

"Đã đi rất nhiều miền quê, luôn mong ước mọi người dân đều có nhà để ở là động lực cho bị cáo phải làm điều gì đó phát triển kinh tế đất nước. Bị cáo sau đó tham gia các đề án của Chính phủ trong việc xây dựng một thị trường bất động sản, gói 30.000 tỷ hỗ trợ người có thu nhập thấp mua nhà", ông Mai nói.

Theo bị cáo, thị trường bất động sản luôn có nhiều khó khăn nên bản thân luôn khao khát xây dựng 3 trụ cột để phát triển. Đó là, xây dựng ngân hàng chuyên biệt, tạo điều kiện người dân có thể vay mua nhà và xây dựng thị trường chứng khoản bất động sản. "Cơ duyên đó khiến tôi trôi dạt về Ngân hàng Xây dựng và phải đứng trước tòa ngày hôm nay", cựu tổng giám đốc nhà băng nói.

Ông Mai thừa nhận mình sai phạm, gây tổn thất rất lớn đến uy tín, ảnh hưởng đến hệ thống an ninh tiền tệ quốc gia. "Bị cáo cảm thấy hối hận sâu sắc và có 2 nguyện vọng. Trước tiên, xin HĐXX xem xét cho các nhân viên ngân hàng vì họ cống hiến hết mình với ngân hàng, là nguồn nhân lực cần thiết cho phát triển của nhà nước, tòa cần tạo điều kiện để họ có cơ hội tiếp tục làm việc, đóng góp cho xã hội".

Quay sang ông Danh, ông Mai nói: "Trong quá trình điều hành VNCB, bị cáo đã sai khi để anh Danh xoay sở và sử dụng tiền của Thiên Thanh chi chăm sóc khách hàng. Anh Danh từng nói bị cáo rằng 'em hãy dành cái đầu sạch sẽ để sáng tạo, có ý tưởng cho việc điều hành ngân hàng phát triển'. Bị cáo thấy mình có lỗi vì đã không quan tâm đến vấn đề này và sẽ chịu trách nhiệm về những sai phạm của mình trước pháp luật".

Cuối cùng, bị cáo Mai gửi lời xin lỗi đến lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vì đã nỗ lực nhưng không thực hiện được như sự mong mỏi của họ; xin lỗi lãnh đạo ngành bất động sản, bạn bè, đối tác, các nhân viên ngân hàng và cuối cùng là xin lỗi gia đình, bố mẹ...

Các bị cáo Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết (nguyên giám đốc và phó giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) cùng nhiều cán bộ ngân hàng đều cảm ơn HĐXX đã làm rõ được các nguồn tiền trong vụ án làm cơ sở đưa ra phán quyết. Họ cũng xin tòa tạo điều kiện cho ông Danh và gia đình khắc phục hậu quả vụ án, xem xét cho các nhân viên ngân hàng và nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh, những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp vì những sai phạm của mình mà phải vướng lao lý.

Trước đó, luật sư bào chữa cho ông Danh cũng đề nghị HĐXX thu hồi khoản tiền 5.490 tỷ đồng bà Trần Ngọc Bích vay của VNCB thông qua việc thế chấp 124 sổ tiết kiệm, sau đó bị ông Danh chỉ đạo chuyển vào tài khoản của mình để trả nợ cho ông Trần Quý Thanh (bố bà Bích). Vấn đề này được VKS đồng thuận, đề nghị tòa đưa khoản tiền này "về vị trí ban đầu", nghĩa là thu hồi số tiền đã chuyển vào tài khoản của ông Thanh để chuyển trả cho VNCB để ngân hàng này tất toán với bà Bích.

HĐXX sẽ nghị án dài ngày, đưa ra phán quyết vào đầu tháng 9.

Hải Duyên 

VNExpress

đại án thất thoát 9.000 tỷ đồng, ông Phạm Công Danh, lời nói sau cùng, cố ý làm trái, vị phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng


© 2021 FAP
  2,930,917       1/1,033