Giáo dục

Quan điểm trái chiều về bỏ điểm sàn đại học

Chủ trương bỏ điểm sàn đại học từ năm 2017 được lãnh đạo một số trường cho là cần thiết, song cũng có người lo ngại việc tuyển sinh sẽ diễn ra tràn lan, chất lượng thấp.

Trước việc Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến không đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn) kỳ tuyển sinh đại học 2017, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM - nói không nên.

Ông cho rằng, không có tiêu chí này sẽ xảy ra tình trạng các trường tuyển sinh đại học tràn lan, vượt chỉ tiêu. Lúc đó, tuyển sinh chất lượng đầu vào thấp, cùng với chương trình giảng dạy của trường không đảm bảo sẽ dẫn đến đầu ra thấp.

Bằng kinh nghiệm của mình ông Dũng khẳng định, thí sinh không đạt được chuẩn ở mức sàn khi vào đại học sẽ không thể theo nổi. "Sinh viên ra trường kém chất lượng, doanh nghiệp chê thì thất nghiệp. Nó sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn và gánh nặng cho xã hội", ông Dũng băn khoăn.

quan-diem-trai-chieu-ve-bo-diem-san-dai-hoc

Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2016 tại TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng

PGS.TS Đỗ Văn Dũng dự báo, nếu bỏ điểm sàn thì việc phân luồng thí sinh như các năm sẽ thất bại. "Trước đây, những em trên điểm sàn vào đại học, dưới điểm này vào các trường cao đẳng, trường nghề. Nay nhiều em không đạt điểm sàn cũng cố gắng vào một trường đại học nào đó lấy điểm thấp, không muốn vào học nghề nữa", ông nói.

Theo ông Dũng, việc bỏ điểm sàn đại học chỉ phù hợp khi nước ta có một môi trường đại học đồng đẳng, các trường đã được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn nhất định.

Khá trăn trở với chủ trương mới này, TS Nguyễn Kim Quang - Hiệu phó Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM) - nhắc lại, những năm trước điểm sàn mang ý nghĩa vừa đảm bảo chất lượng đầu vào, vừa định hướng phân luồng thí sinh. Nếu bỏ điểm sàn, nhiều em sẽ cố vào một ngành nào đó ở bậc đại học thay vì chọn các trường cao đẳng, trung cấp nghề. Khi đó, thí sinh sẽ không phát huy được năng lực của mình, nhiều người phải bỏ học giữa chừng.

Ông Quang cũng cho rằng, nếu bỏ quy định điểm sàn thì Bộ Giáo dục phải cân nhắc đến thực trạng trên và có biện pháp phân luồng thí sinh thích hợp. Các trường đại học cũng cần có những khuyến cáo với thí sinh để các em không mơ hồ về tiêu chuẩn đầu vào, đầu ra ở các ngành học.

quan-diem-trai-chieu-ve-bo-diem-san-dai-hoc-1

Lãnh đạo một số trường cho rằng, đầu vào đại học phải đạt chuẩn nhất định mới đảm bảo chất lượng đầu ra. Ảnh: Mạnh Tùng

Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Xê (Hiệu phó Đại học Cần Thơ) ủng hộ việc bỏ điểm sàn, bởi từ nhiều năm các trường thấy quy định này là không cần thiết. Tuy nhiên, các trường phải đảm bảo điều kiện chất lượng đầu đại học là tốt nghiệp THPT.

"Qua các năm, điểm sàn đều ở mức 14-15 điểm, nghĩa là đạt ở mức trung bình mỗi môn 5 điểm. Bên cạnh điểm sàn, thí sinh phải đủ điểm tốt nghiệp THPT (mỗi môn từ 5 điểm trở lên) mới được đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Hai điều kiện này trùng nhau nên có thể bỏ một", ông Xê nói và cho rằng việc thành lập một hội đồng xác định điểm sàn là rườm rà.

Đồng quan điểm, PGS.TS Hồ Thanh Phong - Hiệu trưởng Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM) - cho rằng việc bỏ điểm sàn đại học là hợp lý vì vài năm nay nhiều trường đã áp dụng hình thức xét học bạ THPT để tuyển sinh.

Theo ông Phong, điểm tích cực của việc bỏ điểm sàn là giúp các trường đại học có quyền tự chủ về chất lượng sinh viên đầu vào. "Nếu trường chất lượng sẽ đặt ra những tiêu chuẩn riêng cho mình để giữ được thương hiệu, uy tín", ông nói.

Hồi năm 2014, các trường đại học và chuyên gia giáo dục từng tranh luận về việc giữ hay bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học. Sau kỳ thi đại học, cao đẳng năm đó, Bộ Giáo dục vẫn công bố 3 mức điểm sàn xét tuyển vào đại học và một mức xét tuyển vào cao đẳng.

Một năm sau Bộ Giáo dục đã gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học để tổ chức kỳ thi "2 trong 1" là THPT quốc gia 2015. Điểm sàn đại học vẫn được Bộ đưa ra và duy trì đến kỳ thi THPT quốc gia 2016.

Điểm sàn đại học là mức điểm tối thiểu để các trường nhận đơn xét tuyển của thí sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra. Điểm sàn được điều chỉnh theo từng năm, tùy theo mức độ khó dễ của đề thi.

Mạnh Tùng

VNExpress

điểm sàn đại học, quy chế tuyển sinh đại học 2017, chất lượng giáo dục đại học


© 2021 FAP
  1,030,321       4/1,341