Đằng sau kết quả học tập xuất sắc trên các bảng xếp hạng toàn cầu, hệ thống giáo dục ở Singapore đè nặng áp lực lên giới trẻ từ rất sớm.
Năm 2016, Singapore liên tục đạt kết quả cao nhất trong các chương trình đánh giá học tập như TIMSS và PISA (OECD). Có rất nhiều lý do cho sự thành công của nền giáo dục Singapore, trong đó không thể bỏ qua chương trình giảng dạy khốc liệt buộc học sinh phải làm rất nhiều bài tập về nhà, đối mặt với kỳ vọng cao từ giáo viên, phụ huynh và cả xã hội.
Giáo dục được ưu tiên hàng đầu
Chính phủ Singapore đặt trọng tâm phát triển đất nước vào giáo dục. Nếu rảo bước qua các con đường trong thành phố, bạn sẽ thấy rất nhiều biển quảng cáo gia sư tại nhà. Nếu bước vào một hiệu sách, bạn sẽ bắt gặp phân nửa đầu sách là hướng dẫn nghiên cứu và sách bỏ túi. Nếu hỏi một học sinh dành bao nhiêu thời gian cho việc học thêm, bạn sẽ nhận được câu trả lời nhiều hơn 10 tiếng mỗi tuần.
Càng học giỏi thì sẽ càng thành công. Đây là điều mà trẻ Singapore được truyền đạt và tiếp thu rất sớm. Tương lai phụ thuộc vào điểm số ở trường học gây áp lực nặng nề cho trẻ ngay từ 6 tuổi.
Trẻ Singapore chịu áp lực học tập từ rất sớm. Ảnh: Smile Tutor |
Trẻ nói gì về căng thẳng học tập?
Dù kết quả học tập của học sinh Singapore rất đáng ngưỡng mộ, cuộc tranh cãi về áp lực của trẻ vẫn không chấm dứt. CNA Insider từng đăng tải video quay lại một ngày bình thường của học sinh tiểu học lớp 6 điển hình đang chuẩn bị cho kỳ thi PSLE (kỳ thi cuối cấp tiểu học ở Singapore). Amelia Ow Yong, cô bé được phỏng vấn, nói rằng ngoài thời gian học ở trường, em dành khoảng 15 tiếng mỗi tuần ở các lớp học thêm. 5 tiếng rèn luyện năng lực viết sáng tạo, 4 tiếng ở lớp hội họa, 4 tiếng học toán và 2 tiếng học tiếng Trung. Cuối ngày, Amelia không đi ngủ sớm mà phải làm bài tập về nhà.
Kven Ow Yong, bố Amelia cho biết thứ tư hoặc thứ năm là ngày con gái không có lớp học thêm, còn cuối tuần vẫn là thời gian dành cho việc học. Amelia tin rằng PSLE là kỳ thi quan trọng nhất, do đó em cần chuẩn bị thật tốt. "Thầy cô nói rằng kỳ thi năm nay sẽ khó hơn năm ngoái. Giáo dục phụ thuộc vào thế giới. Mọi người nói vì thế giới đang phát triển, Singapore cũng phải như vậy", em nói.
Tuy nhiên, Amelia không xem việc dành phần lớn thời gian cho học tập là áp lực lớn nhất. Căng thẳng đến từ những kỳ vọng của những người xung quanh. Giáo viên luôn đưa ra các bài kiểm tra đánh giá và mong học sinh đạt điểm cao, bố mẹ nào cũng muốn con học giỏi nhất, bạn bè chủ yếu cạnh tranh kết quả học tập.
Amelia bắt đầu nghĩ rằng nếu không vượt qua kỳ thi PSLE một cách tốt nhất, em sẽ làm mọi người thất vọng, thậm chí có thể bị phạt. Không chỉ Amelia suy nghĩ này, đa số học sinh sợ bị bố mẹ mắng nếu thi tệ và không được vào trường tốt. Bing Xuan, học sinh lớp 6 thừa nhận không chỉ PSLE mà mọi bài kiểm tra ở trường đều khiến em lo lắng, em luôn sợ đối mặt với kết quả.
Nhận thức được vấn đề, chính phủ Singapore đang thực hiện các bước nhất định để giải quyết. Chẳng hạn, trong 5 năm kể từ bây giờ, hệ thống chấm điểm PSLE hiện tại sẽ được thay thế với tiêu chuẩn ít áp lực hơn. Tuy nhiên, không nhiều người tin vào hiệu quả của phương án này.
Điều quan trọng nhất là ý thức của mỗi bậc phụ huynh. Để giảm tải căng thẳng học tập cho con, phụ huynh cần khuyến khích con tham gia các hoạt động thể thao, không lạm dụng các lớp học thêm, giúp con hiểu học tập nghĩa là tinh thần ham khám phá điều mới lạ, xây dựng sự tự tin vào bản thân mà không phụ thuộc vào điểm số.
Phiêu Linh (theo Smile Tutor)
áp lực học tập, trẻ Singapore, mẫu giáo, kết quả học tập, bảng xếp hạng toàn cầu, chương trình đánh giá học tập, hệ thống giáo dục Singapore