Trong khi học sinh tỏ ra buồn vì cuộc thi Chinh phục vũ môn tạm dừng thì phụ huynh, chuyên gia giáo dục ủng hộ bởi cần thời gian thẩm định nội dung cũng như xem xét lại đối tượng dự thi.
Khi còn là học sinh trường THCS Trần Kiệt (Đông Hòa, Phú Yên), Trần Nhân Kiệt đã tham gia Chinh phục vũ môn mùa 1 và 2. Em cho rằng nhiều người đã nhầm lẫn giữa cuộc thi Chinh phục vũ môn (chinhphucvumon.vn) và game online Chinh phục vũ môn (cpvm.vn).
Cuộc thi Chinh phục vũ mônđược tổ chức ở quy mô cấp trường, cấp tỉnh và cấp quốc gia, diễn ra trong nhiều tuần liên tiếp. Để tham gia, thí sinh chỉ cần đăng ký thông tin cá nhân, trường, lớp. Khi thi, học sinh phải trả lời lần lượt câu hỏi trắc nghiệm với 4 phương án A, B, C, D. Trả lời càng nhanh, số câu hỏi càng ít đi và thí sinh nhanh chóng đặt chân tới cổng vũ môn.
Mỗi tuần, Ban tổ chức chỉ mở và cho phép thí sinh thi một vòng. Trong số câu hỏi đưa ra, 30% thuộc kiến thức khoa học tự nhiên, 30% thuộc khoa học xã hội và 40% về hiểu biết chung.
Giao diện cuộc thi Chinh phục vũ môn. |
Theo Kiệt, game Chinh phục vũ môn gần giống với trò Cờ tỷ phú của Mỹ trước đây. Sau mỗi lần đổ xúc xắc, người chơi sẽ được di chuyển thêm số ô trên đường bằng số điểm đổ được. Quá trình di chuyển, người chơi có thể gặp các ô với những tính năng riêng như ô thầy giáo (yêu cầu trả lời câu hỏi để đi tiếp), ô người tiền sử (người chơi sẽ bị mất một tài sản), ô cơ hội (có thể được thêm lượt)...
Ngoài ra, game Chinh phục vũ môn có những tính năng khác như phòng học, phòng nghiên cứu, cửa hàng mua sắm. Muốn nâng cấp, hoặc tiến hóa các vật phẩm trang bị để dễ dàng chiến thắng thì người chơi phải dùng thẻ nạp tiền. Mỗi ngày game Chinh phục vũ môn sẽ có hai thời điểm “Chinh phục bảng vàng” mà ở đó người chơi phải trả lời 30 câu hỏi bao hàm kiến thức tổng quát.
Chỉ ra sự khác biệt giữa cuộc thi và game cùng tên Chinh phục vũ môn, Trần Nhân Kiệt cho rằng cả hai phiên bản này đều có ích. “Học sinh lựa chọn trò chơi trí tuệ sẽ tốt hơn nhiều việc chơi các trò mang tính bạo lực, ganh đua khác", Kiệt nói và cho biết có thể ôn tập, mở rộng kiến thức từ cuộc thi này.
Mai Chung Min, học sinh lớp 9 trường Tiểu học - THCS Lê Thánh Tông (Phú Yên) tỏ ra buồn khi đang tham gia cuộc thi thì phải dừng. Min từng chơi game Chinh phục vũ môn cùng nhiều bạn trong lớp và thấy "rất lành mạnh". “Cuộc thi và game này sẽ giúp học sinh tránh xa trò chơi mang tính bạo lực. Nó giúp chúng em rèn luyện tốc độ, tư duy và giải tỏa căng thẳng sau giờ học”, Min nói và hy vọng cuộc thi sẽ được mở trở lại để có cơ hội giao lưu, học hỏi cùng các bạn.
Là người dự thi chung kết toàn quốc, Đỗ Thị Thanh Trúc (trường THPT Huỳnh Mẫn Đạt, Rạch Giá, Kiên Giang) chia sẻ có rất nhiều kỷ niệm với cuộc thi nên rất buồn khi biết nó tạm dừng. "Dự thi Chinh phục vũ môn toàn quốc đã giúp em có những trải nghiệm mới, những người bạn mới ở khắp mọi miền đất nước. Nếu không có cuộc thi, có lẽ không bao giờ em được đặt chân tới thủ đô", Trúc nói.
Phụ huynh, chuyên gia ủng hộ dừng cuộc thi
Chịu trách nhiệm dạy học cho em trai Phan Thanh Tùng (lớp 7 trường THCS Giấy Phong Châu, Phú Thọ), anh Thanh Toàn cho rằng Chinh phục vũ môn là một cách chơi để học nhưng nội dung chưa hấp dẫn. Biết đến cuộc thi từ năm ngoái, anh đã chơi thử trước khi cho em trai tham gia.
Theo anh Toàn, việc dùng thẻ nạp tiền để nâng cấp trang bị thiết bị trong game là không bắt buộc, nhưng lại rất hấp dẫn những đứa trẻ có tính hiếu thắng. Đây cũng là lý do khiến anh dè chừng và không muốn em mình chơi. Tuy nhiên, anh Toàn vẫn để em trai chơi thử và tự đánh giá.
"Tùng đã tham gia vài lần nhưng tự cảm thấy không hấp dẫn và bỏ", anh Toàn nói và cho rằng nên xem xét giới hạn thời lượng chơi game một ngày, bỏ hẳn hình thức nạp tiền và tăng nội dung hấp dẫn để vừa giữ được cuộc thi kiến thức thú vị, vừa giúp phụ huynh an tâm.
Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và Egroup phát động cuộc thi tại khu vực miền Trung. Ảnh: Nguyễn Hải. |
Có con đang tuổi ăn học, TS Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, đã trực tiếp thử tài cuộc thi Chinh phục vũ môn. Bà nhận xét, đây thực sự là game online, kiến thức ôn tập rất ít và quá nhẹ nhàng. Game có những phần không ôn tập kiến thức, có ganh đua, may rủi… Điều này cùng với việc mở rộng đối tượng tham gia gồm học sinh lớp 3-5 là "không ổn".
“Trẻ nhỏ không nên tiếp xúc với máy tính, điện thoại thông minh bởi những tác hại đến trí não. Việc cho trẻ chơi game, dù gọi là game giáo dục, cũng khiến các em dễ bị sa đà vào trò game online”, TS Hương nói và cho rằng việc phát động cuộc thi rộng rãi tới các trường học dễ khiến trẻ hiểu nhầm phải có thiết bị điện tử mới học được. Khi điều kiện không có, học sinh sẽ cảm thấy thiệt thòi và đòi hỏi thiết bị điện tử để học, trong khi điều này thực sự không cần thiết.
“Cuộc thi lợi bất cập hại, hệ luỵ nhiều hơn lợi ích. Trẻ em Việt Nam đang thiếu kỹ năng, cần rèn luyện, vận động nhiều hơn, thay vì ngồi một chỗ chơi game”, TS Hương chia sẻ.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng cho rằng không nên cho trẻ tiếp xúc sớm với máy tính, dù là chơi game giáo dục bởi “người lớn còn say mê huống chi trẻ nhỏ”.
Ủng hộ việc tạm dừng cuộc thi để rà soát, thầy Cương nói: “Nếu vẫn tổ chức thì chỉ nên áp dụng cho học sinh từ lớp 8 trở lên vì có ý thức, hiểu biết điều lợi - hại hơn các lớp dưới”. Việc Ban tổ chức tuyên bố học sinh đạt giải được thêm điểm ưu tiên khi thi vào cấp trên sẽ khiến nhiều phụ huynh, học sinh dựa vào đó để đăng ký thi, nhất là các em tiểu học vì lớp 6 hiện chỉ xét tuyển bằng hồ sơ.
Trước đó ngày 8/12, sau khi nhận được "tâm thư" của một phụ huynh ở Hà Nội bày tỏ lo ngại cuộc thi Chinh phục vũ môn có thể gây nhiều tác hại cho trẻ nhỏ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đề nghị Trung ương Đoàn xem xét dừng cuộc thi. Sau cuộc họp sáng nay, ba cơ quan phối hợp tổ chức gồm Bộ Giáo dục, Trung ương Đoàn và công ty sản xuất Chinh phục vũ môn là Egroup thống nhất tạm dừng cuộc thi để rà soát.
Thanh Tâm - Quỳnh Trang
chinh phục vũ môn, trò chơi điện tử, game online, ý kiến chuyên gia, ý kiến học sinh