Từng tuyệt vọng vì thất nghiệp, Albert Einstein khiến cả thế giới kinh ngạc với những phát minh nhờ trí tưởng tượng phong phú.
Trước khi thành thiên tài, Albert Einstein đã có quãng thời gian tuyệt vọng. Sau khi tốt nghiệp cử nhân sư phạm tại Đại học Bách khoa Zurich năm 1900, ông vật lộn tìm việc với vị trí trợ lý giáo sư. Ông gửi sơ yếu lý lịch đến tất cả giáo sư vật lý hàng đầu châu Âu trong vô vọng. Thậm chí ông còn gửi sẵn đơn xin việc trên các bưu thiếp trả lời và thanh toán trước cước phí nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào. Einstein đã sống nhờ sự trợ giúp của bố mẹ và công việc gia sư.
Sau gần hai năm tuyệt vọng, cuối cùng một người quen đã giới thiệu cho ông công việc ở Cục liên bang Thụy Sĩ về sở hữu trí tuệ, với vai trò đánh giá các phát minh. Đó không phải là công việc liên quan đến học thuật mà ông mơ ước, nhưng tại thời điểm đó, Einstein hạnh phúc khi có một công việc thực sự.
Albert Einstein từng tuyệt vọng vì thất nghiệp. Ảnh: Wikipedia |
Ở vị trí này, Einstein có 7 năm sáng tạo nhất cuộc đời. Các nhiệm vụ trong văn phòng sáng chế rất nhàn đối với Einstein và ông hoàn thành công việc mỗi ngày chỉ trong 2 hoặc 3 tiếng. Thời gian còn lại, ông bận rộn với những ý tưởng vật lý của riêng mình.
"Bất cứ khi nào có người đi ngang qua, tôi sẽ nhét giấy tờ vào ngăn kéo, giả vờ như mình vẫn đang làm việc", ông từng nói. Năm 1905, anh thư ký văn phòng sáng chế 26 tuổi, nhà vật lý nghiệp dư vô danh công bố 4 bài báo đột phá đã thay đổi cả lịch sử khoa học, trong đó có thuyết tương đối đặc biệt. Các nhà khoa học gọi đây là "Năm kỳ diệu của Einstein".
Công việc văn phòng sau quãng thời gian thất nghiệp lại là bước ngoặt quan trọng của số phận Albert Einstein. Thay vì theo đúng ngành học và có thể chịu nhiều áp lực, Einstein có nhiều thời gian tự do hơn. Ông có thể theo đuổi trí tưởng tượng và lắng nghe bất kỳ điều gì mà trực giác sáng tạo nói với ông. Có lẽ Einstein là người nhấn mạnh tầm quan trọng của sự sáng tạo và trí tưởng tượng trong công việc hơn bất kỳ nhà khoa học nổi tiếng nào khác. "Khi xem xét bản thân và các phương pháp suy nghĩ, tôi càng đến gần hơn với kết luận rằng trí tưởng tượng là món quà có ý nghĩa hơn khả năng hấp thụ kiến thức", ông nói.
Hầu hết phát minh của Albert Einstein đến từ những gì ông gọi là "gedankenexperiments", các thí nghiệm tưởng tượng thuộc về thị giác. Nó tương tự việc ta nghĩ vẩn vơ: "Điều gì sẽ xảy ra nếu ta cưỡi trên một chùm ánh sáng? Nếu hai tia sét cùng đánh trúng một con tàu đang di chuyển thì sẽ thế nào?".
Năm 1907, khi còn làm việc ở văn phòng sáng chế, Einstein nghĩ đến tình huống: "Khi một người rơi tự do, anh ta sẽ không cảm nhận được trọng lượng của mình". Truyền thuyết khoa học kể lại rằng Einstein đã thực sự nhìn thấy một người đàn ông ngã từ trên cao khi ông hướng ánh mắt ra ngoài cửa sổ văn phòng.
Ý tưởng này dẫn ông đến một thí nghiệm tưởng tượng xa hơn. Nếu người đàn ông đó ở trong một buồng thang máy đóng kín đang đi xuống bị đứt dây, anh ta sẽ cảm nhận được sự không trọng lực. Trải nghiệm này của anh ta không khác gì một người trôi nổi trong buồng kín ngoài không gian. Tiếp tục theo đuổi trí tưởng tượng, Einstein rút ra những kết luận quan trọng về tác động của trọng lực và gia tốc. Ý tưởng này được Einstein gọi là nguyên lý tương đối, dẫn ông đến thuyết tương đối tổng quát, công bố năm 1915.
Albert Einstein là nhà vật lý lý thuyết, ông chưa từng thực hiện thí nghiệm thực tế. Ông đã tìm ra tất cả những thứ phức tạp nhất với nguồn cảm hứng từ trí tưởng tượng. "Tôi đủ chất nghệ sĩ để tự do vẽ theo trí tưởng tượng của tôi. Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Kiến thức là hạn chế, còn trí tưởng tượng bao quanh khắp thế giới", ông nói.
Phiêu Linh (theo Zen Pencils)
Albert Einstein, thất nghiệp, thiên tài, trí tưởng tượng, vật lý, công việc