Giáo dục

Học sinh phản đối thể hiện tình cảm quá đà nơi công cộng

Sau video ghi lại hành động âu yếm của hai bạn trẻ giữa siêu thị ở TP HCM, nhiều học sinh lên tiếng phản đối vì "phản cảm, gây khó chịu cho người khác".

Ngày 13/11, mạng xã hội lan truyền video nữ sinh mặc đồng phục của trường nằm trên ghế sofa trong một siêu thị tại quận Tân Phú (TP HCM) và gối đầu lên đùi bạn trai. Cả hai thản nhiên hôn nhau, mặc cho xung quanh nhiều người qua lại. Video nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng.

Nguyễn Mai Đức, cựu học sinh trường THPT Hà Nội - Amsterdam, hiện học phổ thông tại Anh, cho biết có bạn gái từ cấp 2 nhưng rất phản đối việc thể hiện tình cảm thái quá nơi công cộng của hai bạn trẻ trong video. Nó làm xấu hình ảnh nữ sinh Việt Nam giản dị, trong sáng, có thể tạo thói quen xấu, khiến nhiều bạn trẻ khác làm theo. 

Học tập ở Anh hai năm, Đức nhận thấy tình yêu tuổi học trò ở Anh khá phổ biến, đặc biệt ở cấp 3. "Việc thể hiện tình cảm nơi công cộng như nắm tay hay ôm hôn là bình thường bởi văn hóa Anh khác Việt Nam. Tuy nhiên, những hành động thái quá như nằm ôm hôn giữa siêu thị thì không bao giờ xuất hiện do các bạn trẻ ở Anh ý thức được hành động, tình cảm của mình", Đức nói.

Được gia đình ủng hộ chuyện yêu sớm, Đức luôn cố gắng cân bằng chuyện yêu và học. Theo em, việc nảy sinh tình cảm ở lứa tuổi học sinh không thể tránh khỏi, song việc thể hiện nó như thế nào mới thực sự quan trọng. Sự giáo dục, định hướng của gia đình và nhà trường rất cần thiết với học sinh lúc này. Nếu cảm thấy tình yêu ảnh hưởng tiêu cực đến con, bố mẹ nên can thiệp.

Nguyễn Thu Hương, học sinh trường THPT Cao Bá Quát (Hà Nội) cũng phản đối việc thể hiện tình cảm quá đà nơi công cộng. Em cho rằng yêu nhau không sai nhưng tình cảm có thể thể hiện bằng nhiều cách "lành mạnh và dễ nhìn hơn". 

Theo quan sát của Hương, rất nhiều học sinh hiện nay thích học đòi người lớn. Không biết tình yêu của họ lớn đến đâu nhưng cứ thấy người trưởng thành thể hiện tình cảm như thế nào thì bắt chước y như vậy. Kiểu so kè "tớ lớn rồi, cậu còn trẻ con lắm" là cách phổ biến để học sinh thể hiện bản thân. "Nhiều bạn còn biện hộ đây là hành động phổ biến ở phương Tây, nhưng các bạn thực sự không biết chính xác ở phương Tây họ thể hiện văn minh như thế nào", Hương nói.

Nữ sinh Hà Nội cho rằng không bố mẹ nào đồng ý cho con cái thể hiện tình cảm thái quá với bạn trai ở nơi công cộng. Nhìn thấy những hình ảnh như vậy, chắc hẳn bố mẹ sẽ đau lòng. Khi yêu ở bất kỳ lứa tuổi nào, người con gái cũng phải tự biết giới hạn trong chuyện thể hiện tình cảm vì thường chịu nhiều thiệt thòi hơn so với con trai. 

hoc-sinh-phan-doi-the-hien-tinh-cam-qua-da-noi-cong-cong

Hai học sinh ôm hôn nhau trong một siêu thị ở TP HCM.  

Dùng từ "phản cảm" để nói về hành động ôm hôn trong siêu thị của hai học sinh TP HCM, Nguyễn Ngọc Hoài trường THPT Việt Vinh (Bắc Quang, Hà Giang) đánh giá hình ảnh này vừa ảnh hưởng tới mỹ quan nơi công cộng, vừa làm những người xung quanh khó chịu.

Hoài không phản đối và cũng không đồng tình với tình yêu học trò, mọi thứ đều có hai mặt lợi và hại. Yêu ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến học tập nhưng không thể đi ngược với quy luật tình cảm của bản thân. "Nếu nảy sinh tình cảm, các bạn nên thể hiện nó một cách trong sáng như chính lứa tuổi của mình, không gây khó chịu cho người khác", Hoài nói. 

Nguyễn Đức Bình, học sinh lớp 8 ở Việt Trì (Phú Thọ) cho biết ở trường có rất nhiều bạn yêu nhau và hầu hết đều sa sút học tập. Các bạn yêu sớm thường dành thời gian đi chơi, nhắn tin, gọi điện cho người yêu nhiều hơn việc học và không phụ huynh nào đồng ý như vậy. 

Bản thân Bình không ủng hộ chuyện yêu ở cấp THCS và bố mẹ cũng thường khuyên em như vậy. Các thầy cô ở trường hay nhắc nhở học sinh phải biết cân bằng giữa chuyện yêu và học. Nếu biết thể hiện tình yêu đúng mực và biến tình yêu thành động lực học tập thì không ai ngăn cản, nhưng Bình khẳng định trường hợp này rất ít xảy ra. 

Thanh Tâm

VNExpress

học sinh, tình yêu học trò, thể hiện tình cảm, nơi công cộng, phản đối


© 2021 FAP
  1,035,333       1/1,008