Giáo dục

Học sinh Sài Gòn nín lặng khi xem thảm họa bom nguyên tử ở Nhật

Hội trường im bặt, vài học sinh rớm nước mắt khi xem đoạn phim về vụ ném bom nguyên tử trong tiết học liên môn Sử - Địa ở trường THPT Lê Qúy Đôn.

Sáng 8/11, trong tiết học liên môn Sử - Địa chủ đề "Nhật Bản - Sự trỗi dậy thần kỳ" tại hội trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM), gần trăm học sinh lớp 11A4 và 11N được xem trích đoạn phim mô tả bom nguyên tử được thả xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản).

Khoảnh khắc quả bom mang tên Little Boy phát nổ, cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người dân vô tội Nhật Bản (năm 1945) khiến hội trường im bặt. Vài nữ sinh lấy tay che mặt để ngăn giọt nước mắt vì xúc động.

hoc-sinh-sai-gon-nin-lang-khi-xem-tham-hoa-bom-nguyen-tu-o-nhat

Nữ sinh xúc động khi xem phim về thảm họa bom nguyên tử ở Nhật Bản. Ảnh: Mạnh Tùng

Phương Nhi (lớp 11A4) cho biết từng đọc, học về sự kiện lịch sử này nhưng hôm nay mới được chứng kiến diễn biến qua một bộ phim. "Trong khung cảnh bình yên của thành phố, mọi người đang học tập lao động bình thường thì chỉ trong chốc lát đã biến thành tro bụi. Em như thấu hiểu hơn những nỗi đau chiến tranh mà dân tộc Nhật Bản đã trải qua và càng khâm phục họ", Nhi nói.

Bạn cùng lớp với Nhi, Minh Nhật cũng không giấu nổi nét xúc động. "Em đã đọc nhiều về địa lý, lịch sử Nhật Bản nhưng việc học một cách trực quan như vậy giúp em hiểu sâu. Trước đó, không phải ai cũng tự tìm hiểu được", nữ sinh cho biết.

Chủ đề "Nhật Bản - Sự trỗi dậy thần kỳ" được giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn thiết kế thành tiết học liên môn Sử - Địa sinh động, dễ hiểu và khái quát. Chủ đề được kết hợp từ bài học "Nhật Bản, tự nhiên, dân cư và tình hình phát triển kinh tế" (môn Địa lý) và "Nhật Bản" (môn Lịch sử).

Để chuẩn bị cho tiết học này, giáo viên bộ môn đã lập một trang Facebook với chủ đề trên, đưa hình ảnh, bản đồ lên đây để học sinh tìm hiểu trước. Tiết học được tiến hành theo hình thức giả định là thi chung kết cuộc thi "Nhìn ra thế giới".

Sau màn giới thiệu, phổ biến thể lệ cuộc thi, mỗi lớp 11A4 và 11N trình diễn các tiết mục văn nghệ với nội dung chào Nhật Bản trong những trang phục truyền thống của dân tộc này.

Tiếp đó, giáo viên cho học sinh xem một đoạn video tổng quan về Nhật Bản. Nhiệm vụ của các đội là hoàn thành bảng thông tin tóm tắt nội dung vị trí địa lý, địa hình, khí hậu, sông ngòi, khoáng sản... và trình bày kết quả.

hoc-sinh-sai-gon-nin-lang-khi-xem-tham-hoa-bom-nguyen-tu-o-nhat-1

Phần thi đối kháng của đại diện hai lớp 11A4 và 11N. Ảnh: Mạnh Tùng

Phần sôi động nhất của tiết học liên môn là thi đối kháng giữa hai đội đại diện của hai lớp trong một gameshow. Mỗi nhóm gồm ba học sinh sẽ bấm chuông giành quyền trả lời về một câu hỏi liên quan đến tác động điều kiện tự nhiên với kinh tế.

"Nguyên nhân phát triển kinh tế của Nhật Bản là gì?", câu hỏi do ban tổ chức vừa dứt lời thì vang lên tiếng chuông. Đội A trả lời là "con người có ý chí vươn lên, đầu tư cách mạng khoa học kỹ thuật, nắm bắt đúng thời cơ" và được ban giám khảo đánh giá trả lời khá trọn vẹn đáp án.

Không chịu thua đội A, đội B cũng giành phần thắng ở câu hỏi về các thành tựu kinh tế - khoa học của Nhật Bản sau chiến tranh, các sản phẩm công nghiệp nổi bật của đất nước này.

Dưới hội trường, các cổ động viên nhiệt tình vỗ tay ủng hộ hai đội và ghi chép kiến thức thu nhặt được trong phiếu học tập.

"Em nhớ bài học ngay trên lớp mà không cảm thấy nhàm chán như cách học trước đây. Nhờ kết hợp hai môn Sử, Địa mà em thấy có sự liên kết giữa điều kiện lịch sử, điều kiện tự nhiên để tạo nên một đất nước Nhật Bản hùng mạnh", Hoàng Khôi (lớp 11A4) cho hay.

Trong khi đó, Ngọc Phượng (lớp 11N) cảm thấy hơi vất vả để làm việc nhóm chuẩn bị cho tiết học này nhưng tỏ ra thích thú. "Tiết học giúp chúng em rèn luyện kỹ năng tìm kiếm thông tin, làm việc nhóm, được tìm hiểu cả văn hóa, phong tục của đất nước này", nữ sinh nói.

Cuối buổi học, học sinh được tìm hiểu và thuyết trình về khoa học - kỹ thuật của Nhật qua mô hình người máy Asimo, trình diễn trang phục Yukata và Kimono.

hoc-sinh-sai-gon-nin-lang-khi-xem-tham-hoa-bom-nguyen-tu-o-nhat-2

Học sinh lớp 11 trường THPT Lê Quý Đôn hào hứng trong tiết học liên môn Sử - Địa. Ảnh: Mạnh Tùng

Thầy Nguyễn Tấn Ngữ Lê (giáo viên Địa) kể, cả thầy và trò mất hơn một tháng chuẩn bị cho tiết học. Đây là một trong những tiết học đổi mới, sáng tạo để chào đón ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới của trường.

"Việc học tích hợp liên môn như vậy giúp học sinh hiểu toàn diện hơn về một vấn đề, đồng thời khích lệ tinh thần tự học, khả năng sáng tạo của các em", thầy Lê nói.

Mạnh Tùng

VNExpress

học sinh Sài Gòn, môn Lịch sử, dạy tích hợp


© 2021 FAP
  1,036,425       1/1,072