Giáo dục

Lên ý tưởng câu trả lời cho IELTS Speaking

Khi thi Speaking, một kỹ năng quan trọng mà thí sinh cần có là khả năng xây dựng ý tưởng cho câu trả lời.

Speaking (Nói) là phần thi cuối cùng của bài thi IELTS. Ở phần này, thí sinh sẽ được phỏng vấn bởi giám khảo IELTS (IELTS Examiner) trong một căn phòng riêng biệt. Bài phỏng vấn, trung bình dài 11-14 phút và được chia làm 3 phần liên tục, được ghi âm lại và người thi sẽ biết kết quả sau 13 ngày kể từ khi thi chính thức.

Dưới đây là một vài gợi ý về cách xây dựng ý tưởng cho từng phần của bài thi nói IELTS. 

Part 1: Sử dụng từ để hỏi

Trong Part 1, thí sinh sẽ được hỏi về những chủ đề quen thuộc, không mang tính học thuật như công việc, học vấn, thời gian rảnh, du lịch, quê hương, nơi ở hay sở thích âm nhạc của bản thân. Để lên ý tưởng cho câu trả lời trong Speaking Part 1, các bạn nên dựa vào những từ để hỏi phổ biến như What, Where, When, Who, Why và How. Mỗi từ để hỏi sẽ mở ra cho bạn một thông tin mới vì chúng đều có ý nghĩa khác nhau.

len-y-tuong-cau-tra-loi-cho-ielts-speaking
 

Hãy lấy ví dụ câu hỏi Please could you describe your mother - Bạn làm ơn có thể miêu tả mẹ mình và vận dụng phương pháp trên. Các từ để hỏi Who, How, What, Where và Why có thể gợi ý cho bạn miêu tả lần lượt tên (What is her name), đặc điểm bên ngoài (How does she look like), công việc (What job is she doing), nơi làm việc (Where is she working) và lý do bạn yêu mẹ (Why do you love her).

Phần lớn câu hỏi Part 1 có thể vận dụng phương pháp đơn giản này, không chỉ câu hỏi miêu tả. Ví dụ câu hỏi When was the last time you went on a holiday? - Lần cuối bạn đi nghỉ là khi nào. Sau khi trực tiếp trả lời câu hỏi (một mốc thời gian), bạn có thể vận dụng những từ Where, Why, What và How để phát triển câu trả lời và thêm thông tin đi du lịch ở đâu (Where did you take that holiday), lý do cho chuyến đi (Why did you take it), mục đích (What did you take it for) và cách di chuyển (How did you travel).

Và đừng quên một số nguyên tắc vàng trong Speaking Part 1 bao gồm trả lời ngắn gọn, đơn giản, trực tiếp, thêm ví dụ và dẫn chứng nếu có thể.

Part 2: Sử dụng một phút chuẩn bị thông minh

Trong Part 2, thí sính sẽ được phát một chủ đề để nói liên tục trong 2 phút. Thí sinh có một phút chuẩn bị và được phát một tờ giấy và một chiếc bút cho việc chuẩn bị này. Một chủ đề nói cho Part 2 có thể là Describe an artist or entertainer that you admire - Miêu tả một nghệ sĩ hoặc nhà giải trí mà bạn hâm mộ. Mỗi chủ đề nói đều có 4 câu hỏi gợi ý. Ví dụ với đề trên, 4 câu hỏi gợi ý có thể là Người nghệ sĩ đó theo đuổi lĩnh vực nghệ thuật nào, Tại sao bạn biết đến họ, Bạn đã gặp họ bao giờ chưa  Tại sao bạn hâm mộ họ.

Hãy chia tờ giấy nháp của bạn làm 4 hình chữ nhật bằng nhau, mỗi hình chữ nhật sẽ đại diện cho một câu hỏi gợi ý. Khi một phút chuẩn bị bắt đầu, lần lượt ghi câu trả lời cho 4 câu hỏi gợi ý lên các hình chữ nhật đó. Nên nhớ chỉ ghi những từ khóa (tên riêng, người, năm, quốc gia, hành động...) vì các bạn chỉ có một phút làm điều này. Các bạn có thể vận dụng phương pháp từ để hỏi trong Part 1 trong thời gian chuẩn bị.

Như vậy là bạn đã có một bài chuẩn bị rất logic và có tổ chức. Khi nói 2 phút, không nên tập trung nói một hình chữ nhật mà hãy chia đều thời gian nói cả 4 hình. Bạn nên luyện tập điều này ở nhà bằng cách bấm đồng hồ đếm ngược.

Part 3: Học ý tưởng theo chủ đề

Trong Part 3, thí sinh sẽ được hỏi về những chủ đề xã hội, mang tính học thuật cao như môi trường, giáo dục, hôn nhân, gia đình, du học, tình bạn hay văn hóa dân tộc. Lời khuyên tốt nhất mà tôi có thể dành cho các bạn đó là học ý tưởng theo chủ đề. Ví dụ khi ôn tập chủ đề môi trường, hãy ghi lại những ý tưởng chính sẽ có khả năng xuất hiện cao như lý do dẫn đến ô nhiễm môi trường (rác thải, khói bụi, hoạt động công nghiệp...); những hậu quả (sức khỏe con người, cảnh quan thiên nhiên...) và giải pháp (quản lý nhà nước, tuyên truyền..).

Ý tưởng của chủ đề này có thể được áp dụng cho nhiều chủ đề khác. Ví dụ, một tác động tích cực của tăng chi tiêu chính phủ là tạo ra việc làm. Tạo ra việc làm cũng là một trong những tác động tích cực của gần như tất cả câu hỏi liên quan đến doanh nghiệp, ngành công nghiệp hay nền kinh tế. Ví dụ, một tác động tích cực của sự phát triển của hầu hết ngành công nghiệp là tạo ra việc làm.

Thêm ví dụ thực tế sẽ giúp nâng điểm Speaking cho bạn. Ví dụ, nếu bạn khẳng định rằng chính sách tăng thuế thuốc lá của chính phủ giúp giảm sự tiêu thụ mặt hàng này, hãy đưa ra một quốc gia cụ thể nơi mà điều này đã xảy ra.

Nguyễn Mai Đức

VNExpress

IELTS, Speaking, nói, trả lời, ý tưởng, thí sinh, phỏng vấn, giám khảo, bài thi


© 2021 FAP
  1,037,970       5/1,643