Giáo dục

Hoàn cảnh đáng thương của cô học trò nhỏ

Không được sống bên ba mẹ, mỗi ngày phải đến trường bằng xe buýt và tự kiếm tiền lo cho bản thân, nhưng cô bé Hờ Dao rất chăm chỉ và chưa bỏ học buổi nào.

"Bác ấy lượm em về nuôi". Tôi đã nghẹn ngào khi em Hờ Dao, học sinh lớp 6B Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt, Sông Hinh, Phú Yên trả lời như vậy lúc tôi hỏi ba mẹ em tên gì, nhà ở đâu?.

hoan-canh-dang-thuong-cua-co-hoc-tro-nho

Đó là một buổi trưa, tôi vì đi dạy xa nhà nên ở lại trường để chiều dạy tiếp. Hết tiết 5, học trò vừa ra khỏi trường thì tôi cũng tranh thủ xuống căng tin ăn cơm. Tôi đang đi thì thấy một cô bé nhỏ nhắn, da ngăm đen bước vào sân trường. Em không đi lên lớp, mà ngồi dưới ghế đá thở dốc, mặt mày tái dại. Tôi vội lại xem sức khỏe em có vấn đề gì không thì ra là em bị say xe.

Khi tôi hỏi sao mới 11h30 mà lại đi học thì Hờ Dao trả lời nhà em ở cuối thôn Suối Biểu - đây là thôn của người dân tộc thiểu số, ở xa trung tâm trường nhất. Em theo xe buýt nên phải đi sớm, nếu đợi chuyến sau thì trễ giờ. Tôi vội hỏi: "Thế em không có xe đạp hả?. Ba mẹ của em làm gì?". Em bảo không. Em cũng không có ba mẹ. Cuộc trò chuyện dang dở thì cô trò phải lo cho buổi học chiều. Tôi cứ trăn trở mãi cảnh một cô học trò nhỏ bé đi xe buýt đến trường.

Khi tôi hỏi thăm người lớn về hoàn cảnh của em thì nhận được nhiều thông tin lạ. Tôi tranh thủ buổi trưa tìm đến nhà, hai bác em còn bận việc trên rẫy. Chiều nay, dù không phải dạy chiều, nhưng tôi không đón xe buýt về sau tiết 5, mà ở lại trường chờ gặp Hờ Dao, để nghe câu chuyện của em.

Hờ Dao kể, bố mẹ em bỏ nhau. Họ cũng bỏ luôn ba anh em của em. Đó là Hờ Dao nghe anh Y Lượm và Chị Hờ Lặt của mình kể, chứ em không biết là ba mẹ bỏ mình lúc nào, vì khi ấy em còn quá nhỏ. Hờ Dao bảo có một ông bác đã lượm em về nuôi. Em cũng không biết, không nhớ bác ấy là ai, ở đâu. Em cũng không biết đã ở với bác ấy bao lâu. Sau đó bác ấy đưa em về cho ngoại Hờ Bút nuôi. Ngoại già, bệnh đau nhiều, ngoại mất năm em học lớp 1. Kể từ đó, em được gia đình ông Lê Văn Khuyết (có họ hàng xa với ba mẹ em) ở Suối Biểu nhận về nuôi dưỡng.

Một buổi trưa, tôi đến thăm nhà ông Khuyết, một ngôi nhà nhỏ nhưng kiên cố. Vừa lúc ấy tôi thấy em Hờ Dao mang cuốc và mì về. Buổi sáng em không đến trường tham gia sinh hoạt Đội, mà lại đi mót mì. Em bảo, ngày nào ít thì kiếm được 12.000 đồng. Nhưng có hôm nhiều thì em kiếm được khoảng 40.000 đồng. Em nhặt mì, kiếm tiền để tự lo việc học. Nhà bác Khuyết bây giờ khó khăn, hai con của bác đều bị bệnh. Một anh bệnh tim, một anh bệnh gan nên hai bác cứ lo tiền mua thuốc. Em chia sẻ, bữa cơm của em là những thứ rau tìm được trong vườn, có gạo nấu cơm là ngon rồi, em không biết thịt, cá.

Vì nhà không có xe đạp, lại xa trường nên em đi học bằng cách theo xe buýt (họ không thu tiền của em). Tôi liền hỏi anh Lượm, chị Lặt của em hiện ở đâu, không giúp gì được em sao?. Em bảo anh chị có vợ có chồng, mà nhà cũng nghèo lắm. Anh chị lo cho miếng ăn gia đình đã khó, làm sao có thể lo cho em gái.

Một cô bé mồ côi, hoàn cảnh như vậy mà không bỏ học buổi nào. Câu chuyện của em Hờ Dao làm tôi xúc động. Hy vọng chương trình có thể chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn này để em được tiếp tục đến trường.

Nguyễn Thị Bích Nhàn

Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.
VNExpress

Học bổng Đèn Đom Đóm, VnExpress, Dutch Lady


© 2021 FAP
  1,044,557       14/511