Giáo dục

Hai chị em mồ côi sớm chịu cảnh ly tán

Bố mẹ mất sớm, nên hai chị em của Chi và Mạnh phải sống xa nhau. Tuy nhiên, hai em vẫn chăm ngoan, học tốt và ước sớm có ngày đoàn tụ.

Vẫn luôn luôn là người đồng hành cùng "Học bổng Đèn Đóm Đóm", tôi xin tiếp tục giới thiệu hoàn cảnh đáng thương của hai chị em sớm mồi côi cha mẹ, nhưng phải sống ly tán mỗi em một nơi. Đó là em Nguyễn Đức Mạnh, sinh năm 2004, học sinh lớp 6 Trường THCS Khả Phong, xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, hiện sống với ông bà nội. Chị gái của em là Nguyễn sinh năm 2002, học sinh lớp 8 Trường THCS Đại Cương, xã Đại Cương, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, hiện sống nhờ ở một ngôi chùa cách nhà mấy chục cây số.

hai-chi-em-mo-coi-som-chiu-canh-ly-tan

Bố hai em mất đột ngột khi Mạnh mới còn trong bụng mẹ và chị gái Linh Chi mới chưa đầy 2 tuổi. Khi Mạnh mới 8 tháng tuổi, mẹ em cũng qua đời vì ung thư. Trước khi qua đời, vì hoàn cảnh quá túng quẫn, cộng với bệnh tật hành hạ nên mẹ đã đem gửi Linh Chi vào chùa nhờ nuôi giúp, mặc cho ông bà nội hết lời can ngăn.

Biến cố đến quá sớm và đột ngột khiến tuổi thơ các em rơi vào một khoảng trống. Ông bà nội hai em khi đó đã gần 80 tuổi, ngày càng suy sụp tinh thần. Mạnh cai sữa mẹ từ mới được 2 tháng tuổi, nên bị suy dinh dưỡng nặng. Dù thương hai cháu nhưng gia cảnh đơn chiếc, nghèo khó nên ông chỉ có thể nuôi nấng Mạnh và thỉnh thoảng mới lên thăm Linh Chi được. Hai chị em sống cách xa nhau từ đó.

Mạnh sống với ông bà trong ngôi nhà lợp bằng tấm xi măng cũ. Mùa hè thì nóng hầm hập, mùa đông chăn đắp mấy gió vẫn lùa qua. Ông bà bây giờ đã gần 90 tuổi, nhưng vẫn cố gắng làm hơn sào ruộng để kiếm gạo ăn. Những khi mùa tới, trong nhà toàn người già với trẻ con chẳng kéo được cày cuốc. Ông bà cũng may là có hàng xóm thương tình thường sang cấy, gặt giúp.

Ông bà của Mạnh giờ như lá úa trên cây, chẳng biết rụng lúc nào. Hai ông bà thay nhau ốm bệnh, ho hen. Bà bị thấp khớp hành hạ mấu chục năm nay và mới phải đi mổ mắt, giờ chỉ nhìn thấy lờ mờ. Ông thì bị bệnh viêm niệu đạo và bệnh tiểu đường hơn chục năm rồi, đau đáng mà chẳng dám kêu than, cũng chẳng đi viện. Vì thương hai chị em Mạnh côi cút, ông bà vẫn gắng gượng sống mong đến ngày hai cháu trưởng thành.

Càng lớn lên, nghe bà kể về hoàn cảnh gia đình, hai chị em càng thương nhau hơn. Cứ vài tháng, em Linh Chi lại đạp xe mấy chục cây số từ chùa về nhà thăm ông, bà và em. Lần nào về, em cũng tranh thủ dọn dẹp, giúp đỡ ông bà mọi việc cho đến lúc rời đi. Và cuộc hội ngộ nào cũng không lấp đủ xa cách. Bà hai em ngậm ngùi bảo: “Lần nào rời đi còn bé cũng rơm rớm nước mắt”. Những lần như thế Mạnh lại ngẩn ngơ khi chị gái lại phải xa nhà để ở một nơi khác.

Dù không có bàn tay chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ, nhưng hai em rất yêu thương và bảo ban nhau học hành, lễ phép, hiếu thảo với ông bà. Mạnh sống với ông bà rất ngoan và biết vâng lời. Và cũng may sao càng lớn, chứng suy dinh dưỡng của em đã khỏi. Dù còn nhỏ nhưng em cũng rất chăm chỉ làm việc nhà và phụ giúp ông bà đồng áng.

Những khi được nghỉ hè, chủ vườn mở lò sấy long nhãn, Mạnh thường đến xin phụ giúp lột cùi nhãn để kiếm thêm thu nhập. Mạnh kể: “Việc đó chỉ toàn các cô, các chị làm thôi. Ngồi suốt cả ngày đau lưng lắm ạ. Nhưng mà cháu vẫn muốn làm. Có ngày làm từ sớm tới khuya cháu cũng kiếm được cả trăm nghìn ạ. Năm học mới cháu tha hồ mua sách vở, đồ dùng…”. Nghe Mạnh nói thật hồn nhiên mà tôi thấy xót xa cho cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới của em.

Và có lẽ điều khiến cho ông bà vui nhất chính là các em luôn cố gắng và đạt thành tích cao trong học tập. Em Linh Chi nhờ nhà chùa nên biết tự lập từ nhỏ và không bao giờ biết làm nũng, mè nheo. Năm tuổi em đã biết tự tắm, giặt. Nhà chùa giờ còn nuôi thêm nhiều em cơ nhỡ nữa và Linh Chi cũng là chị gái lớn trong chùa. Em vừa đi học, vừa phải đưa đón các em nhỏ khác. Ngoài giờ học, em giúp các sư thầy nấu nướng, dọn dẹp và chăm sóc các em nhỏ khác trong chùa. Điều đặc biệt là năm nào em cũng được tặng giấy khen với thành tích học sinh xuất sắc.  

Còn em Mạnh dù tự lập từ sớm nhưng luôn được tặng giấy khen là học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung môn học cấp tiểu học. Năm nào em cũng được nhà trường chọn đi thi vở sạch, chữ đẹp và học sinh giỏi môn toán và tiếng Việt trên huyện. Vừa bước vào lớp 6, thầy giáo chủ nhiệm của em chia sẻ: “Mạnh thông minh lắm. Rất tích cực hỏi bài. Giờ em cũng đang được bồi dưỡng trong đội tuyển học sinh giỏi văn của khối lớp 6”. Nghe thầy nói vậy khiến tôi cũng thấy mừng. Mừng vì hai em rạn nứt tuổi thơ nhưng không đứt gánh học hành, sớm gặp bão tố mà không gục ngã và luôn biết vươn mình đứng dậy.

Nói về ước mơ của mình, cả hai em đều không giấu được niềm háo hức. Mạnh thì ước sau này trở thành chú bộ đội đi canh giữ đảo xa. Linh thì ước trở thành cô giáo dạy học cho trẻ em nghèo. Những ước mơ rất giản dị mà đầy trách nhiệm. Mong rằng hai chị em sẽ sớm không phải sống chia lìa. Mong rằng các em sẽ luôn đứng vững trước sóng gió cuộc đời và trở thành những người có ích cho xã hội.

Đinh Quang Hoạch

Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.

VNExpress

VnExpress, Học bổng Đèn Đom Đóm, nhãn hàng Dutch Lady, học bổng


© 2021 FAP
  1,046,324       6/889