Giáo dục

Sở Giáo dục Thanh Hóa: 'Giáo án viết tay không có ưu điểm nổi trội'

Cho rằng việc yêu cầu giáo viên soạn giáo án viết tay sẽ tạo thêm nhiều áp lực, không có hiệu quả tích cực, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị huyện Như Xuân rút lại quy định.

Ngày 3/10, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết đã đề nghị UBND huyện Như Xuân xem xét lại việc ra quy định bắt buộc giáo viên soạn giáo án và các hồ sơ giấy tờ bằng cách viết tay.

Theo ông Vũ Duy Cảng, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo), việc lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Như Xuân nhận định giáo án viết tay nhằm giúp giáo viên thêm ghi nhớ bài dạy, tránh tình trạng coppy trên mạng để đối phó, không chất lượng… là đúng, nhưng chưa đầy đủ.

so-giao-duc-thanh-hoa-giao-an-viet-tay-khong-co-uu-diem-noi-troi

Sở Giáo dục Thanh Hóa cho rằng "giáo án viết tay không có ưu điểm nổi trội", tạo thêm áp lực cho giáo viên Ảnh: Lê Hoàng.

Ông Cảng cho hay, từ nhiều năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục, các trường thực hiện rất hiệu quả. Soạn bài trên máy tính giúp giáo viên thao tác nhanh, có thể căn cứ vào bản cũ để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp. Nhiều giáo viên biết soạn giáo án điện tử hoặc ứng dụng các phần mềm tranh ảnh, video… làm cho bài giảng phong phú, thực sự góp phần nâng cao chất lượng dạy học.

"Giáo án viết tay không có được những ưu điểm nổi trội nêu trên", ông Cảng nhấn mạnh và cho rằng từ khi thay sách (năm học 2012-2013), ngành không đặt nặng vấn đề soạn giáo án mà thay bằng lập kế hoạch bài học. Kế hoạch bài học chỉ cần nêu ra các hoạt động, mỗi hoạt động có một số gạch đầu dòng chỉ ra việc giáo viên tổ chức cho học sinh thực hiện để đạt mục tiêu. Kế hoạch bài học cho mỗi tiết chỉ khoảng một trang giấy A4.

“Vấn đề quan trọng nhất để nâng cao chất lượng dạy học không phải soạn giáo án mà là giáo viên nghiên cứu kỹ bài, biết tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động một cách chủ động, tích cực nhằm giúp các em tự phát hiện vấn đề, tự giải quyết vấn đề và lĩnh hội kiến thức”, ông Cảng giải thích thêm.

Thời lượng làm việc của giáo viên, đặc biệt là bậc tiểu học rất nhiều, phần lớn dạy học cả ngày ở trường, lại dạy nhiều môn nên cần giảm thiểu tối đa kiểu quản lý hành chính tạo thêm gánh nặng. “Không nên đưa ra quy định giáo án phải viết tay, không những không mang lại hiệu quả mà có khi ngược lại”, ông Cảng nói.

Đầu năm học 2016-2017, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Như Xuân (Thanh Hóa) ban hành văn bản yêu cầu tất cả cán bộ, giáo viên phải soạn giáo án, tài liệu hồ sơ bằng viết tay thay vì đánh máy như những năm học trước. Quy định được áp dụng bắt buộc cho cả ba cấp mầm non, tiểu học và THCS.

Nhiều giáo viên cho rằng việc viết tay chiếm nhiều thời gian khiến họ thêm vất vả vì lâu nay đang soạn bài vở trên máy tính giờ lại quay về phương pháp cũ, hầu hết tài liệu phải làm lại từ đầu. 

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch huyện Như Xuân lý giải, yêu cầu này xuất phát từ thực tế chất lượng giáo dục đào tạo ở huyện những năm qua chưa cao. Một số thầy cô có tâm lý ỷ lại máy móc, soạn giáo án dùng cho cả năm và nhiều khi mang tính đối phó.

“Chúng tôi muốn nâng cao chất lượng giáo dục, trước hết phải thay đổi từ công tác chuẩn bị bài giảng của người thầy. Việc áp dụng viết tay truyền thống có ưu điểm riêng, một lần ghi là hai lần nhớ…”, ông Phương nói và khẳng định dù có ý kiến trái chiều, song "hầu hết thầy cô, nhà trường ủng hộ chủ trương này”.

Lê Hoàng

VNExpress

Giáo án viết tay, phương pháp truyền thống, quy định bắt buộc, đổi mới giáo dục, sáng kiến, giáo viên phản ứng, Thanh Hóa


© 2021 FAP
  1,046,658       4/855