Giáo dục

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam xóa lo ngại tự chủ đại học sẽ bị cắt đầu tư

Dẫn chứng nhiều trường đại học tự chủ ở Đức, Pháp được ngân sách cấp rất nhiều kinh phí để nâng cao chất lượng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định không có lý nào Việt Nam lại đi ngoài xu thế.

Ngày 30/9, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức hội thảo "Tự chủ đại học - cơ hội và thách thức". Trước 300 đại biểu đến từ các trường đại học khắp cả nước, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có bài phát biểu dài khoảng 30 phút.

Giáo dục đại học đang có vấn đề

Phó thủ tướng thẳng thắn chỉ ra mặc dù còn nhiều yếu kém nhưng về căn bản giáo dục phổ thông có nhiều điều đáng mừng hơn giáo dục nghề nghiệp, bao gồm cả đại học và sau đại học. Có nhiều chỉ số để nói rằng giáo dục đại học của Việt Nam có vấn đề. Rất nhiều cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ ra trường không có việc làm. Công bố quốc tế của Việt Nam còn rất thấp so với các nước. Trường đại học không tham gia nghiên cứu khoa học như các trường trên thế giới.

"Điều đó cho thấy, việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là rất cần thiết", Phó thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng đổi mới phải phù hợp với xu thế thế giới, đó là phải tự chủ. Hiện các trường Việt Nam lệch quá nhiều về tự chủ tài chính, trong khi đáng ra phải tự chủ về chuyên môn, dạy học và nghiên cứu cũng như bộ máy tổ chức, nhân sự. 

"Việc hiểu chưa đầy đủ về tự chủ khiến nhiều trường lo sợ và không dám làm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều yếu kém trong chất lượng đào tạo giáo dục đại học", ông Đam nhận xét.

pho-thu-tuong-vu-duc-dam-xoa-lo-ngai-tu-chu-dai-hoc-se-bi-cat-dau-tu

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh "Đổi mới phải phù hợp với xu thế của thế giới". Ảnh: Thanh Tâm.

Các trường chưa tự chủ hiệu quả

Cả nước có 14 trường đại học được trao quyền tự chủ, nhưng theo Phó thủ tướng thực hiện chưa hiệu quả. Để tăng quyền tự chủ, bỏ dần cách quản lý hành chính của cơ quan chủ quản, các trường phải chuyển đổi từ mô hình quản trị hành chính một hiệu trưởng sang mô hình quản trị cá nhân kết hợp với tập thể. Tuy nhiên, thời gian qua, hội đồng trường chưa phát huy vai trò, quyền lực vẫn tập trung vào hiệu trưởng, tính dân chủ chưa cao. 

Việc tự chủ tài chính còn nhiều vấn đề. Khi thí điểm, nhiều trường lo ngại nhà nước sẽ cắt kinh phí đầu tư. Tuy nhiên, suy nghĩ này hoàn toàn sai. Phó thủ tưởng dẫn chứng các trường đại học tự chủ ở Đức hay Pháp được ngân sách nhà nước cấp kinh phí đầu tư nâng cao chất lượng và được cấp rất nhiều. Các trường đại học tự chủ khác trên thế giới đều như vậy, không có lý nào Việt Nam lại đi ngoài xu thế.

Phó thủ tướng cho rằng các trường có thể cân đối giữa học phí và nguồn ngân sách nhà nước để đảm bảo chất lượng đầu ra; phải có chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo để không ảnh hưởng đến việc tiếp cận đại học của các em. Trường nâng học phí nhưng đồng thời phải tăng suất học bổng để tránh làm các em sợ hãi, không dám thi vì không có tiền đóng học.

Hướng tới tất cả trường sẽ tự chủ

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kể lại câu chuyện khi bắt đầu tự chủ đại học, không phải tất cả 14 trường tự nguyện đứng ra xin. Có nhiều trường phải được thuyết phục rất nhiều. Sau đó, các trường thấy rằng việc đăng ký tự chủ không chỉ đem lại lợi ích cho trường mà còn xóa đi e ngại của tất cả trường khác.

Việc tự chủ giúp các trường nắm giữ nhiều quyền hơn như quyền quyết định mức học phí hay tuyển dụng nhân sự. Tất nhiên, các trường phải dùng quyền đó để nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết Bộ xem tự chủ là thuộc tính của giáo dục đại học. Các trường đại học phải coi tự chủ là thuộc tính của mình và sẽ phải tự chủ toàn diện, từ đào tạo, mở ngành cho đến khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, nhân sự.

Ông Ga nhấn mạnh sắp tới việc tự chủ không còn là khuyến khích mà tất cả trường sẽ phải làm. 

Thanh Tâm

VNExpress

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, đổi mới giáo dục, tự chủ, đại học, Thứ trưởng Bùi Văn Ga


© 2021 FAP
  1,048,085       2/870