Giáo dục

Hai cô bé mồ côi cha học giỏi, ngoan ngoãn

Bố mất sớm, mẹ thu nhập bấp bênh, nhưng vượt qua những định kiến của xã hội, Anh và Ánh vẫn luôn chăm ngoan, học giỏi.

Nằm cách không xa trung tâm Hà Nội là mấy, nhưng Cát Quế, Hoài Đức quê tôi vẫn là một làng mang đậm nét đặc trưng của nông thôn Bắc Bộ ngày xưa. Cũng vì thế mà từ đầu làng đến cuối xóm, từ trong đê lẫn ngoài đê chỉ cần một nhà có việc thì cả xóm, cả làng đều biết và đến giúp.

Nếu là người tỉnh xa đến chơi, muốn tìm nhà ai, người ta sẽ rất yên tâm khi được dẫn đến tận nhà, bởi ở đây ai cũng biết ai. Cũng vì thế mà tất cả người dân trong làng đều biết đến hoàn cảnh đáng thương của ba mẹ con cháu Mầu Thị Tuyết Anh (lớp 4) và cháu Mầu Thị Nguyệt Ánh (lớp 2) đang học ở trường tiểu học Dương Liễu, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

hai-co-be-mo-coi-cha-hoc-gioi-ngoan-ngoan

Sinh năm 1987, nhưng chị Nhạn (mẹ của Tuyết Anh và Nguyệt Ánh) lấy chồng rất sớm khi mới 19 tuổi. Ba năm sau, chị cho ra đời liên tiếp hai cô con gái trong niềm vui khôn tả.

Vì hoàn cảnh quá khó khăn, cha mẹ già yếu, bệnh tật nên hai vợ chồng chị bàn nhau vay mượn tiền, thuê quầy mở quán làm tóc để vừa có thêm thu nhập lo cho hai con, vừa vượt qua áp lực dư luận và định kiến “con trai, con gái”, cũng như tính kế lâu dài để cuộc sống đỡ vất vả hơn.

Khi quán bắt đầu đông khách thì cũng là lúc tai họa ập đến. Bố của Ngân Anh và Nguyệt Ánh đã mất sau một cơn bạo bệnh mà không một lời từ biệt, để lại người vợ trẻ chưa đến 30 và hai cô con gái còn nhỏ bên cạnh là số nợ rất lớn.

Khó khăn chồng chất khó khăn, thu nhập bấp bênh, hôm có hôm không vì những khách quen không đến nữa. Vừa để tang chồng vừa tìm cách xoay sở đủ nghề để nuôi hai con ăn học và phụng dưỡng bố mẹ chồng ngoài 70 khiến cho chị Nhàn như muốn kiệt sức. Có lúc chị muốn tìm đến cái chết để được yên bình, nhưng nhìn hai con bé bỏng mồ côi cha thì lại không đành lòng.

Trong căn nhà chật chội xiêu vẹo, tường vôi loang lổ, mái ngói cũ kỹ, nỗi đau như vẫn còn nguyên vẹn khi nhắc đến bố, cô bé Tuyết Anh mếu máo: “Chúng cháu nhớ bố lắm. Lúc bố còn sống hay cho chúng cháu đi chơi”; còn cô em Tuyết Anh lại hồn nhiên nhìn về phía ảnh bố, vừa bảo: “Bố chúng cháu mất nên đêm nào mẹ cũng khóc…”. Chị Nhạn buồn bã nói: "Chỉ tiếc rằng bố các cháu mất quá sớm, chứ nếu không em cũng cố sinh thêm thằng cu để anh ấy có thể yên lòng. Giờ em sẽ cố lo cho hai cháu ăn học để chúng nó không phải vất vả như em".

Hiểu được hoàn cảnh và thương mẹ, nên sau khi bố mất, hai chị em Ngân Anh và Nguyệt Ánh dù còn nhỏ nhưng rất tự lập, chăm chỉ học hành. Ở trường, hai chị em đều là những học sinh giỏi, ngoan ngoãn, vui vẻ, hòa đồng. Không chỉ thế, sau giờ học, hai cô bé đều tự giác giúp mẹ làm việc nhà, học bài, nấu cơm… Nhiều khi mẹ bận việc đến tận đêm, hai cô bé vẫn nhất quyết chờ mẹ cùng về chứ không chịu về nhà trước. Mùa hè còn đỡ, chứ mùa đông nhiều khi học bài xong, chờ mẹ lâu quá, hai cô bé ngủ say dưới nền nhà từ lúc nào không hay.

Nhìn hai cô bé ngây thơ, trắng trẻo và bụ bẫm khiến tôi không khỏi xót xa. Dường như nỗi đau con mất cha, vợ mất chồng mới xảy ra ngày hôm qua. Những khó khăn trong cuộc sống trước mắt và cả sau này sẽ còn rất nhiều với hai cô bé. Tôi mong chương trình sẽ hỗ trợ cho Tuyết Anh và Nguyệt Ánh để hai em có cơ hội tiếp tục được đến trường.

Phạm Thị Dịu

Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.

VNExpress

VnExpress, Học bổng Đèn Đom Đóm, nhãn hàng Dutch Lady, học bổng


© 2021 FAP
  1,053,160       22/2,193