Giáo dục

Thiên tài cũng cần được thúc đẩy

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngay cả những trẻ em có chỉ số IQ của thiên tài cũng cần giáo viên để giúp chúng đạt được và thể hiện hết tiềm năng bản thân.

Business Insider ngày 12/9 đưa tin, bắt đầu từ năm 1971, chương trình nghiên cứu thanh thiếu niên phát triển sớm (SMPY) đã theo dõi 5.000 đứa trẻ thông mình ở Mỹ. Chúng nằm trong 1%, 0,1% và thậm chí 0,01% những đứa trẻ xuất sắc hàng đầu ở Mỹ. Đây là nghiên cứu dài nhất trong lịch sử về trẻ em tài năng.

Trái ngược với hệ thống giáo dục hiện ưu tiên giúp đỡ những đứa trẻ có thành tích kém phát triển nhất, những phát hiện của SMPT mang đến một yêu cầu khác - đừng bỏ quên những đứa trẻ ưu tú.

Jonathan Wai, nhà tâm lý học thuộc Chương trình nhận diện nhân tài của Đại học Duke, chia sẻ trên tờ Nature: “Cho dù chúng ta thích hay không, những con người này đang thực sự kiểm soát xã hội của chúng ta. Những đứa trẻ nằm trong nhóm 1% xuất sắc hàng đầu có xu hướng trở thành các nhà khoa học và nghiên cứu nổi tiếng, giám đốc điều hành của các công ty trong Fortune 500, những thẩm phán liên bang, thượng nghị sĩ và tỷ phú”.

thien-tai-cung-can-duoc-thuc-dy

Thiên tài Albert Einstein. 

Thật không may, nhiều nghiên cứu từ SMPY chỉ ra rằng những đứa trẻ thể hiện năng khiếu sớm trong các môn học như khoa học và toán có xu hướng không nhận được sự giúp đỡ mà chúng cần. Vì thấy học sinh xuất sắc tự nghiên cứu được tài liệu và nhận toàn điểm A, nên giáo viên dành phần lớn sự chú ý cho những trẻ đạt kết quả kém. Kết quả là những đứa trẻ tài năng có nguy cơ nhận được sự hỗ trợ ít hơn.

SMPY tiết lộ việc mặc định những đứa thông minh nhất có thể đạt được và thể hiện hết tiềm năng của mình mà không cần sự thúc đẩy là hoàn toàn sai lầm. Một trong những đánh giá từ cuộc nghiên cứu 45 năm cho thấy việc học nhảy lớp có thể đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ em.

Khi so sánh hai nhóm học sinh tài năng có và không học nhảy lớp, nhóm học “nhảy cóc” có nhiều hơn 60% khả năng nhận được bằng sáng chế hay tiến sĩ và nhiều hơn gấp đôi khả năng có bằng tiền sĩ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật hay toán học. 

SMPY cũng cho thấy giáo viên và phụ huynh có thể giúp những học sinh có thành tích cao bằng cách nhận ra loại tài năng đó. Ví dụ, nhiều đứa trẻ có năng khiếu thường có những kỹ năng lý luận không gian đặc biệt. Qua thời gian, những điểm mạnh đó có thể phát triển thành những khả năng cần thiết để đạt thành công trong nghề kỹ sư, kiến trúc sư hay bác sĩ phẫu thuật.

Kết quả giá trị từ cuộc nghiên cứu 45 năm cho thấy việc giáo viên và phụ huynh thử thách trẻ để phát triển hơn nữa khả năng của chúng là bắt buộc, dù bằng cách nào. Tương lai của thế giới có thể phụ thuộc vào điều đó.

Quỳnh Linh

VNExpress

thiên tài, thúc đẩy, nghiên cứu


© 2021 FAP
  1,057,302       1/859