Giáo dục

Học sinh ở Đăk Lăk phản đối bị ép tăng tiết

Nhiều học sinh trường THPT Cao Bá Quát (TP Buôn Ma Thuột) đã tới trước cổng trường phản đối việc bị ép học "tăng tiết".

Hai hôm trước, một số học sinh Trường THPT Cao Bá Quát (TP Buôn Ma Thuột)đã tập trung trước cổng trường phản đối việc bị ép học phụ đạo, không chịu vào lớp học. Các học sinh còn lập nhóm kín trên Facebook với tên gọi "Phản đối sự ép buộc học phụ đạo THPT Cao Bá Quát - BMT", thu hút 600 thành viên. 

Nhiều học sinh trường THPT Cao Bá Quát cho rằng bị ép học tăng tiết. Ảnh: Kh.Uyên

Nhiều học sinh trường THPT Cao Bá Quát bức xúc việc bị ép học tăng tiết. Ảnh: Kh.Uyên

Những học sinh này cho rằng, ngoài giờ học chính khóa, mỗi tuần các em phải học "tăng tiết" ba buổi, mỗi buổi bốn tiết học, giá mỗi tiết 6.000 đồng. "Mỗi lớp có gần 30 học sinh thì mức thu như thế là quá cao. Trường thu cao nhưng chất lượng không có vì học sinh quá đông", một học sinh bức xúc.

Ông Lê Văn Kiệt, Hiệu trưởng trường THPT Cao Bá Quát cho biết đã triển khai dạy thêm tại trường từ năm 2013, việc này đã được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp phép.

Hiệu trưởng cho rằng, có nhiều tên gọi như tăng tiết, phụ đạo do giáo viên và học sinh quen miệng chứ chủ trương của nhà trường là dạy thêm. "Việc học thêm tại trường là có sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh và Ban giám hiệu", ông Kiệt nói và cho rằng học sinh đi học tập trung đông trước cổng trường là bình thường, chứ không có chuyện phản đối.

Còn về số tiền đóng tiết học, ông cho biết mức thu trên đúng theo nghị quyết của HĐND tỉnh. "Mức thu này nếu tính ra mỗi tháng một học sinh chỉ đóng hơn 150.000 đồng cho 4 môn học, thấp hơn học bên ngoài nhiều. Học thêm tại trường là không ép buộc, nếu học sinh nào không thích có thể học ở ngoài", hiệu trưởng Kiệt nói.

Chiều 14/9, ông Trương Thức, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Đăk Lăk cho biết đã yêu cầu Thanh tra sở kiểm tra những thông tin trường THPT Cao Bá Quát ép học sinh tăng tiết.

Kh.Uyên

VNExpress

học thêm, Đăk Lăk, phụ huynh, tăng tiết, Cao Bá Quát, học sinh, phản đối


© 2021 FAP
  1,059,130       1/912