Giáo dục

Ý chí của cô học trò nghèo ở miền Tây

Thấu hiểu những khó khăn của gia đình, Như Ý vừa học, vừa phụ mẹ hái rau, chăn vịt... Tuy khó khăn, nhưng em học tốt, nhiều năm liền là học sinh khá giỏi.

Câu chuyện về một cô bé ở vùng đất miền Tây đầy nắng gió, sống trong một gia đình quá đỗi khó khăn. Nói về khó khăn của gia đình em Nguyễn Thị Như Ý ở Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, không ai ở Tân Xuân, huyện Ba Tri là không biết. Nỗi khó khăn cứ đeo bám gia đình em từ những năm 2006 cho đến tận bây giờ. 

y-chi-cua-co-hoc-tro-ngheo-o-mien-tay

Năm đó, cơn bão số 6 đổ bộ vào tỉnh Bến Tre, lấy đi của người dân rất nhiều của cải vật chất và tinh thần. Gia đình em tuy đều may mắn sống sót qua cơn bão, nhưng những gì sau đó mới là một nỗi ám ảnh lâu dài cho cả gia đình. Căn nhà lá không còn, đàn vịt cũng đi theo cơn bão, ruộng lúa cũng chết sạch. Gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu trước hụt sau.

Anh Liêm - ba của em Ý chia sẻ: "Thật tình lúc đó gia đình tôi không biết sống bằng gì. Giờ tôi còn rùng mình khi nhớ lại cái cảnh nhà cửa trống trơn sau bão". Và cũng từ năm đó, chị Biệp - mẹ của em bắt đầu bị nhiều bệnh, lúc trước chị bị sốt bại liệt, giờ lại càng nặng thêm, suy nhược cơ thể, nào ho nào sốt, bệnh cứ dai dẳng. Để rồi khoảng 2 năm sau đó, chị không thể làm bất kỳ việc nặng nào, chỉ có thể ngày ngày đi hái mớ rau ra chợ bán.

Còn anh Liêm, từ khi mất đi gần như cả gia tài, phải chạy ngược chạy xuôi vay nợ, mua lại bầy vịt, ít giống để còn có thể tiếp tục làm việc… Tuy cố gắng nhiều trong cuộc sống nhưng cả gia đình anh nợ cứ chồng lên nợ, đến bây giờ vẫn chưa thể trả được. Cả nhà 5 người nương tựa nhau sống trong một căn chòi nhỏ. Mới đây, sau đợt ngập mặn kinh hoàng, gần như cả tỉnh Bến Tre rơi vào tình trạng mất mùa, gia đình anh chị cũng không ngoại lệ, vống liếng vất vả lắm mới vay được giờ đã theo con nước trôi đi mất…

Nhà Như Ý có 3 anh chị em, chị lớn học năm nay lên 12, Ý học lớp 8 và cậu em nhỏ năm nay lên lớp 5. Nói riêng về việc này, tôi vô cùng nể phục gia đình, chỉ từ những đồng lẻ kiếm từ bầy vịt, mảnh đất nhỏ xíu và mấy cọng rau dền mà vợ chồng anh Liêm cần kiệm, thắt lưng buộc bụng để cả 3 con có thể tiếp tục đến trường. Chị Biệp nói: “Vợ chồng tôi khổ thế nào cũng được, chỉ mong tụi nó đến trường, học được con chữ cho đổi đời chứ không phải khổ như chúng tôi”. Mắt chị rơm rớm… Đó đúng là sự chịu thương chịu khó của con người miền Tây.

Không phụ lòng ba mẹ, Như Ý thấu hiểu nổi khó khăn của gia đình, nên em vừa học, vừa phụ mẹ. Hàng ngày, sau giờ học, em phụ mẹ hái rau, đôi lúc mẹ đau thì em đi bán hộ mẹ. Chiều chiều ra đồng, lúc nào cũng thấy một cô bé dáng mảnh khảnh cầm cây sào chăn bầy vịt gần cái chòi nhỏ bé đó. Thế mà mặt em lúc nào cũng tươi cười. Nhìn thế, lòng tôi cứ đau đau thế nào ấy.

Tuy khó khăn, nhưng Như Ý học rất tốt, nhiều năm liền đạt học sinh khá giỏi, còn chị em thì đỗ vào trường chuyên của tỉnh. Đây cũng là một phần động lực không nhỏ của gia đình. Những tấm giấy khen kẹp trên vách cũng là niềm tin vào một tương lai của các con, để ba mẹ của em có thêm sức lực tiếp tục cố gắng.

Sức khỏe của chị Biệp ngày càng yếu, không dám uống thuốc mà để dành tiền cho con; còn anh Liêm một mình lặn lội làm việc đầu tắt mặt tối, phơi lung giữa nắng trời miền Tây, kiếm từng đồng nuôi con ăn học. Hai anh chị cứ lầm lũi lo miếng cơm, manh áo và tiền học phí cho các con. Mặc cho khó khăn cứ đeo bám, anh chị vẫn cố gắng làm việc.

Người chị lớn của Như Ý thì sắp bước vào đại học, còn em vừa xong cấp 2, gia đình cứ khó chồng khó, nợ chồng nợ quanh năm. Thật sự tôi không biết tấm lưng của anh, đôi vai của chị còn có thể chịu được đến bao giờ. Như Ý rất cần sự giúp đỡ để em có thể tiếp tục đến trường vào theo đuổi ước mơ của bản thân, để không phải lặp lại tiếp một vòng tuần hoàn của chữ “khó”.

Từ Nhật Quang

Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.

VNExpress

VnExpress, Học bổng Đèn Đom Đóm, nhãn hàng Dutch Lady, học bổng


© 2021 FAP
  1,064,524       14/1,173