Giáo dục

Điểm số không đánh giá thành công của trẻ

Điểm số không quan trọng, thay vào đó hãy để quan điểm, nỗ lực và thế mạnh của trẻ tỏa sáng, bà Jenny Yeo đứng đầu một tổ chức nghiên cứu của Bộ Giáo dục Singapore chia sẻ.

Là hiệu trưởng đã nghỉ hưu, hiện đứng đầu một tổ chức về nghiên cứu của Bộ Giáo dục Singapore, bà Jenny Yeo chia sẻ tầm quan trọng của việc đánh giá quan điểm, nỗ lực và thế mạnh của trẻ, không phải thành tích học tập bằng cách kể một câu chuyện.

diem-so-khong-danh-gia-thanh-cong-cua-tre

Bà Jenny Yeo (phải) đã kể một câu chuyện để chia sẻ thành tích học tập không phải quan trọng để đánh giá con người. Ảnh: Straits Times.

“Điểm số không định nghĩa bạn”, thầy Jack Cook nói. Đó là thời điểm quyết định của Debbie.

Debbie, một người cầu toàn, luôn luôn có kết quả học tập tốt nhất trong những năm đầu ở trường. Tuy nhiên, khi học kinh tế tại đại học cộng đồng (trường đại học 2 năm), cô đã bị mất cân bằng.

Mặc dù nỗ lực nhiều hơn - khối lượng công việc nhiều cùng với những lớp học thêm với thầy Cook, Debbie không thể hiểu hết môn học. Cô không thể hiểu được và cũng không chấp nhận điểm số kém của mình trong bài kiểm tra môn kinh tế. Cô cảm thấy xấu hổ và tội lỗi, đến nỗi tránh gặp giáo viên và không ghé thăm trường sau khi tốt nghiệp.

Một vài năm sau, khi Debbie nghe nói thầy Cook đã nghỉ hưu và sắp rời khỏi Singapore, cô lấy hết can đảm đến thăm và chào tạm biệt thầy.

Thầy Cook chào đón Debbie với nụ cười tươi và sự nồng nhiệt. Cô hỏi thầy một cách ngượng ngùng có phải thầy nhớ cô vì cô là học sinh duy nhất nhận điểm D trong lớp kinh tế của thầy. Thầy Cook trả lời đơn giản: “Thầy hy vọng em đã không để cho D định nghĩa con người mình”. Ngay lúc đó, Debbie đã rút ra được một bài học quý giá về giá trị bản thân.

Cô nhận ra sự lo âu và sợ hãi của mình thật vô căn cứ và không cần thiết. Thầy giáo nhớ cô một cách đầy yêu thương không phải vì điểm số mà vì thái độ, nỗ lực và tính cách của cô.

Thầy Cook chia sẻ: “Tôi luôn vui khi thấy sinh viên trở về thăm và nói chuyện thật lâu với mình, đặc biệt là những em được coi là học kém trong lớp. Điều này có nghĩa là các em không làm thế để chống lại thầy mà quan trọng hơn, các em làm vậy để chống lại chính mình và tiến lên phía trước. Rất nhiều người hạnh phúc nhất, mãn nguyện nhất thầy từng gặp đã có những lúc tự nghi ngờ và thất bại khi là sinh viên. Việc học từ những thất bại nghe có vẻ sáo rỗng nhưng lại là thật”.

Cuộc gặp gỡ này đã thay đổi nhận thức của Debbie về bản thân và giá trị của mình. Cô nhận ra rằng việc quá sợ thất bại nên chỉ tập trung vào thành tích học tập xuất sắc. Chính điều này đã đẩy cô đến thất bại. Debbie biết rằng mỗi người có tài năng và thế mạnh khác nhau. Điều quan trọng là chấp nhận và tiếp tục cải thiện những điểm yếu, phát triển thế mạnh của mình. Cô hiểu rằng điều này quan trọng hơn sự kiên cường, thích học và theo đuổi một cách say mê.

Sau đó, Debbie trở thành giáo viên và những kinh nghiệm của bản thân đã hình thành phương pháp giảng dạy của cô.

diem-so-khong-danh-gia-thanh-cong-cua-tre-1

Thay vì chỉ tập trung vào kết quả học tập, hãy truyền cho trẻ bài học về giá trị bản thân từ cách chúng ta đánh giá cao thái độ, nỗ lực và thế mạnh của trẻ. Ảnh: Straits Times.

Tại một trường trung học, cô nhận thấy một học sinh tên Dan đang phải vật lộn với môn toán và khoa học nhưng lại có năng khiếu nghệ thuật. Debbie nói chuyện với cha mẹ Dan trong một buổi họp phụ huynh, khuyến khích họ nhận thấy tài năng của con mình và đừng chỉ tập trung vào điểm số. Cô tự tin rằng Dan có thể là nghệ sĩ thành công trong tương lai.

Dan được khích lệ bởi cô giáo nhận thấy tài năng của em và không bắt lỗi em trong những môn không giỏi. Theo thời gian, em đã mài dũa kỹ năng nghệ thuật và cũng được thúc đẩy để cố gắng hết mình trong tất cả môn học.

Mỗi đứa trẻ đều đặc biệt. Bắt trẻ theo lĩnh vực mình không có sở trường có thể tiêu diệt thay vì phát triển trẻ. Công việc của cha mẹ là giúp trẻ xác định năng khiếu và sở thích của mình, từ đó giúp trẻ phát triển những điều đó. Một cách khác chúng ta có thể giúp đỡ là hướng dẫn trẻ khám phá và theo đuổi những con đường khác nhau nơi tài năng và niềm đam mê của trẻ có thể hướng đến.

Là cha mẹ, chúng ta phải cẩn thận về những tín hiệu ngầm gửi đến con em mình thông qua những gì chúng ta nói và yêu cầu. Khi trẻ về nhà với một bài kiểm tra, có phải điểm số là điều mấu chốt? Bạn có tìm hiểu vì sao trẻ đạt/bị kết quả đó, công nhận tiến bộ của trẻ hay nói về các giải quyết những khó khăn?

Tiến sĩ Carol Dweck, nhà tâm lý học, giáo sư tại Đại học Stanford và là nhà nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực động lực, nói: “Hãy khen những gì trẻ đã làm: nỗ lực, chiến lược, sự tập trung, sự kiên trì, sự tiến bộ của trẻ. Việc khen ngợi này tạo ra những đứa trẻ rắn rỏi và kiên cường”. Nói cách khác, hãy tập trung vào quá trình thay vì kết quả cuối cùng.

Cũng giống như thầy Cook và Debbie, tất cả chúng ta cần nhìn xa hơn kết quả học tập của trẻ. Là cha mẹ, chúng ta không được để điểm số định nghĩa con người trẻ, thay vào đó, hãy tập trung vào thái độ, nỗ lực và thế mạnh của trẻ. Trên tất cả, hãy cho trẻ thấy chúng ta yêu chúng vô điều kiện, chấp nhận cho dù trẻ như thế nào, điểm số ra sao.

Quỳnh Linh (theo Straits Times)

VNExpress

điểm số, định nghĩa, quan điểm, nỗ lực, thế mạnh


© 2021 FAP
  1,073,373       10/968