Thế giới

Những vũ khí Mỹ nắm giữ để chống lại tên lửa Triều Tiên

Mỹ hiện duy trì một hệ thống phòng thủ tên lửa rộng khắp với mục tiêu ngăn chặn mọi mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên.

Triều Tiên tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Các quan chức Lầu Năm Góc thừa nhận Triều Tiên ngày 4/7 lần đầu tiên phóng thành công một mẫu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Đây là loại tên lửa ICBM hai tầng, có tầm bắn lớn hơn 5.400 km, theo ABC News.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định đang cân nhắc "tất cả các lựa chọn" nhằm đối phó với hành vi leo thang căng thẳng của Triều Tiên.

Bộ Quốc phòng Mỹ hiện duy trì một hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi được thiết kế để bảo vệ nước này trước những vụ tấn công tên lửa từ phía Triều Tiên.

nhung-vu-khi-my-nam-trong-tay-de-chong-lai-ten-lua-trieu-tien

Tầm bắn của tên lửa ICBM Triều Tiên phóng ngày 4/7. (Click vào ảnh để xem kích cỡ lớn hơn).

Hệ thống phòng thủ giữa kỳ đặt trên mặt đất (GMD)

GMD có thể phòng thủ trước các loại tên lửa từ Triều Tiên, bao gồm cả ICBM, với tầm bắn thấp nhất 5.472 km. Bình Nhưỡng từng công khai tuyên bố muốn phát triển tên lửa ICBM mang đầu đạn hạt nhân đủ khả năng vươn tới đất liền Mỹ.

Mỹ hồi tháng 5 lần đầu tiên thử nghiệm khả năng đánh chặn của hệ thống mặt đất đối với mục tiêu ICBM. Tên lửa đánh chặn được khai hỏa từ căn cứ không quân Vandenberg, California, trong khi mục tiêu ICBM phóng từ căn cứ quân sự Mỹ ở đảo san hô Kwajalein Atoll thuộc quần đảo Marshall trên Thái Bình Dương. Kết quả, Mỹ đã "ngăn chặn thành công" tên lửa ICBM, giống như "một viên đạn bắn trúng một viên đạn khác".

Phương thức đánh chặn của hệ thống GMD.

"Hệ thống này đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ đất liền Mỹ và cuộc thử nghiệm cho thấy chúng ta đủ năng lực tin cậy để đối phó với một mối đe dọa thực sự", phó đô đốc Jim Syring, giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ, lúc bấy giờ nói.

Mỹ hiện có 36 tên lửa đánh chặn trên mặt đất bố trí tại hai căn cứ quân sự, 32 quả đặt ở căn cứ Fort Greely, Alaska, và 4 ở căn cứ Vandenberg. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá GMD mới chỉ đạt tỷ lệ đánh chặn thành công 50% trong các cuộc thử nghiệm và chưa từng chặn lượng lớn tên lửa cùng lúc.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD)

nhung-vu-khi-my-nam-trong-tay-de-chong-lai-ten-lua-trieu-tien-1

Cơ chế hoạt động của THAAD. Đồ họa: Reuters (Click vào ảnh để xem kích cỡ lớn hơn).

Khác với GDM, THAAD ngăn chặn và phá hủy các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trước khi chúng chạm mặt đất ở giai đoạn cuối. Song nó cũng có khả năng hạn chế trong việc đánh chặn tên lửa ICBM.

THAAD hoạt động dựa trên "công nghệ truy đuổi - tiêu diệt" tích hợp hàng loạt hệ thống radar theo dõi. Mỹ hiện triển khai THAAD ở Hàn Quốc.

Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis (ABMD)

ABMD là bộ phận trên biển của mạng lưới phòng thủ tên lửa Mỹ. Dù không được thiết kế để tiêu diệt tên lửa ICBM, ABMD có thể theo dõi mục tiêu ICBM và cung cấp "dữ liệu kiểm soát hỏa lực" cho những hệ thống GMD ở căn cứ Fort Greely và Vandenberg.

Binh sĩ và tàu sân bay

Mỹ đang đồn trú 28.500 binh sĩ tại Hàn Quốc và 54.000 binh sĩ tại Nhật Bản. Ở Nhật, hải quân Mỹ còn bố trí các tàu khu trục và tàu tuần dương có thể đảm nhận những sứ mệnh phòng thủ tên lửa gần bán đảo Triều Tiên.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan ở Yokosuka, Nhật Bản, thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra trên Thái Bình Dương. Dù không phải một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa, sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ có ý nghĩa răn đe đối với Triều Tiên khi muốn thực hiện bất kỳ hành động khiêu khích nào, giới phân tích nhận định.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan đang tham gia tập trận tại vùng biển ngoài khơi phía đông Australia.

Vũ Hoàng

VNExpress

tên lửa, ICBM, Triều Tiên, Mỹ, phòng thủ tên lửa


© 2021 FAP
  3,359,801       4/1,221