Thế giới

Phóng tên lửa liên lục địa - bước ngoặt nguy hiểm của Triều Tiên

Việc Triều Tiên thử thành công tên lửa liên lục địa được cho là bước ngoặt nguy hiểm bởi nó đe dọa an ninh khu vực và thế giới.

 Triều Tiên tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Kênh truyền hình trung ương Triều Tiên hôm 4/7 ca ngợi vụ phóng tên lửa cùng ngày của nước này là "thành công rực rỡ". Nhưng đối với Mỹ, đây giống như bất ngờ không mong đợi: Một vũ khí với tầm bắn xuyên lục địa đã được Bình Nhưỡng tung ra sớm hơn nhiều năm so với những gì chuyên gia phương Tây từng nhận định, theo Washington Post.

Vài giờ sau vụ phóng thử, cơ quan tình báo Mỹ liên tục tính toán nhằm xác định tên lửa Triều Tiên, được cho là mẫu Hwasong-14, thể hiện như thế nào trong lần bay đầu tiên. Dù kết quả ra sao, giới phân tích vẫn đồng thuận rằng Bình Nhưỡng đã có bước tiến dài mang tính cột mốc, mang đến khả năng tấn công những mục tiêu cách xa hàng nghìn km.

Sau vụ phóng sáng qua, Triều Tiên tuyên bố thử thành công ICBM đầu tiên, khi nó bay cao tới khoảng 2.800 km trước khi tấn công trúng mục tiêu trên biển Nhật Bản cách đó 930 km.

Theo David Wright, đồng giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu thuộc Hiệp hội Các nhà khoa học Quan tâm (UCS) ở Mỹ, tên lửa Hwasong-14 này có thể đạt tầm bắn tối đa 6.700 km khi khai hỏa ở góc chuẩn, giúp nó vươn đến Alaska, nhưng chưa đủ để bắn tới những bang trên lục địa Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ hôm nay cũng xác nhận Triều Tiên phóng thành công tên lửa ICBM.

"Đây thật sự là vấn đề lớn. Đó chính xác là ICBM", ông Jeffrey Lewis, giám đốc chương trình Đông Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Giải trừ Vũ khí, bình luận. "Chẳng có lý do gì để tin nó đã đạt đến tầm bắn tối đa".

Vượt dự kiến nhiều năm

phong-ten-lua-lien-luc-dia-buoc-ngoat-nguy-hiem-cua-trieu-tien

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tươi cười sau vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa hôm 4/7. Ảnh: KCNA.

Cuộc thử nghiệm ngày 4/7 là minh chứng rõ nét nhất cho thấy Triều Tiên đang tiến rất nhanh trên con đường hướng tới mục tiêu chế tạo một mẫu tên lửa ICBM thực thụ. Tên lửa Hwasong-14 phóng đi lần này có thể chưa vươn tới lục địa Mỹ và chưa có bằng chứng về việc Triều Tiên đủ khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa. Tuy nhiên, chúng giờ đây hoàn toàn nằm trong tầm với của Bình Nhưỡng, chuyên gia nhận định.

"5 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển đáng chú ý, vượt qua kỳ vọng về năng lực tên lửa đạn đạo Triều Tiên", Victor Cha, cựu giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời tổng thống George W. Bush, nhận xét. "Năng lực của họ liên tục khiến ta bất ngờ".

Bất chấp việc giới chức tình báo Mỹ cố tìm cách ngăn cản Triều Tiên thúc đẩy chương trình tên lửa và hạt nhân, Bình Nhưỡng vẫn đạt được những bước đột phá trên nhiều lĩnh vực khác nhau, ví dụ như phát triển động cơ nhiên liệu rắn, khả năng phóng tên lửa cơ động, bao gồm cả tên lửa khai hỏa từ tàu ngầm. Theo phân tích ban đầu, Hwasong-14 sử dụng một loại động cơ tên lửa đạn đạo do chính Triều Tiên chế tạo, mẫu mà Bình Nhưỡng từng "khoe" hồi giữa tháng ba.

Hầu hết các tên lửa mà Triều Tiên phóng trước đây đều dùng loại động cơ cải biên áp dụng công nghệ cũ từ thời Liên Xô. Song theo Lewis, trong lần thử nghiệm vừa qua, mọi chuyện đã khác.

"Đấy không phải bản sao chép động cơ cổ lỗ thời Liên Xô, cũng không phải hai động cơ Liên Xô chắp vá với nhau. Đây là thứ khác hẳn", ông Lewis nhấn mạnh. "Khi lần đầu tiên công bố về động cơ tên lửa ngày 18/3, họ khẳng định 'thế giới sẽ sớm biết nó có ý nghĩa gì'. Lúc này chúng ta đều nhìn thấy họ mang thiết kế động cơ cơ bản ấy cho một tên lửa ICBM như thế nào".

Mô phỏng hành trình của tên lửa đạn đạo liên lục địa Triều Tiên.

Thông báo về vụ thử nghiệm trên một bản tin đặc biệt hôm qua, Triều Tiên tuyên bố họ đã nắm trong tay tên lửa ICBM đủ để phòng vệ trước các cuộc tấn công từ Mỹ hay những kẻ thù khác.

Theo các nhà phân tích Mỹ, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ lâu vẫn tính toán rằng ICBM mang đầu đạn hạt nhân sẽ là vũ khí ngăn chặn hữu hiệu nhất của ông trước mọi mối đe dọa.

"Với vị thế một cường quốc hạt nhân sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa mạnh nhất, có thể vươn tới bất kỳ phần nào của thế giới, Triều Tiên về cơ bản sẽ chấm dứt được những lời đe dọa chiến tranh hay sức ép từ Mỹ, đồng thời bảo vệ hiệu quả ổn định, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và khu vực", một phát ngôn viên chính phủ Triều Tiên nói trong bản tin phát trên truyền hình. Ông này thêm rằng tên lửa Triều Tiên hôm 4/7 "đặt ở góc cao nhất" nhằm tránh gây hại đến các quốc gia láng giềng.

Giới phân tích Mỹ cũng đồng tình cho rằng Triều Tiên đặt góc khai hỏa tên lửa cao có lẽ nhằm tránh khả năng bắn trúng lãnh thổ Nhật Bản. Hơn nữa, đường đi của tên lửa còn giúp Bình Nhưỡng đảm bảo mục tiêu giữ bí mật, bởi nếu thả động cơ tên lửa xuống đáy biển, Triều Tiên sẽ ngăn được các thợ lặn Mỹ và Nhật Bản tìm ra nó để phân tích.

Vũ Hoàng

VNExpress

Triều Tiên, tên lửa, ICBM, tên lửa đạn đạo liên lục địa, Mỹ


© 2021 FAP
  3,361,136       4/1,230