Thế giới

Hàn Quốc chỉ ra điểm yếu của tên lửa Triều Tiên vừa thử

Quân đội Hàn Quốc cho rằng tên lửa của Triều Tiên vẫn chưa có khả năng quay lại bầu khí quyển thành công để trở thành tên lửa đạn đạo liên lục địa.

han-quoc-chi-ra-diem-yeu-cua-ten-lua-trieu-tien-vua-thu

Một vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

Quân đội Hàn Quốc ngày 15/5 cho rằng Triều Tiên dường như vẫn chưa làm chủ được việc đưa tên lửa quay trở lại khí quyển Trái Đất, vốn là công nghệ then chốt để phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, bất chấp vụ phóng thử thành công tên lửa Hwasong-12 mới nhất, theo Yonhap.

Triều Tiên trước đó tuyên bố đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo Hwasong-12 lên độ cao 2.111,5 km, bay được 787 km và rơi xuống biển Nhật Bản. Dựa trên những dữ liệu do Mỹ và Hàn Quốc thu thập được, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) xác nhận những thông số Triều Tiên đưa ra trong vụ phóng tên lửa là đúng sự thật.

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu tên lửa mới của Triều Tiên có thể tái xâm nhập trở lại bầu khí quyển thành công sau khi bay lên độ cao lớn như vậy hay không, một quan chức JCS nói: "Chúng tôi cho rằng cơ hội như vậy là rất thấp".

Một quả tên lửa được coi là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khi nó đạt tầm bắn từ 6.000 km trở lên. Sau khi bay lên quỹ đạo, tên lửa phải trải qua giai đoạn "tái xâm nhập khí quyển", trong đó đầu đạn tên lửa phải được thiết kế đặc biệt để chịu đựng được điều kiện nhiệt độ và áp suất cực cao trong quá trình cọ xát với không khí ở vận tốc rất lớn.

han-quoc-chi-ra-diem-yeu-cua-ten-lua-trieu-tien-vua-thu-1

Các giai đoạn trong hành trình bay của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Đầu đạn phải tái xâm nhập khí quyển thành công ở bước 5 mới có thể tiêu diệt được mục tiêu. Đồ họa: KKNews.

Nếu vượt qua được giai đoạn này, đầu đạn tên lửa, thường mang theo một hoặc nhiều đầu đạn hạt nhân, mới có thể đánh trúng được mục tiêu đã định.

John Schilling, chuyên gia về tên lửa của Mỹ, cho rằng Hwasong-12 mới chỉ là tiền đề để Triều Tiên hoàn thiện mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đáng tin cậy như KN-08. Với việc phóng thành công Hwasong-12, Bình Nhưỡng có thể sẽ sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong vòng một năm tới.

Mô phỏng hành trình của tên lửa Triều Tiên

Nguyễn Hoàng

VNExpress

Triều Tiên, tên lửa, JSC, khí quyển


© 2021 FAP
  3,371,535       28/1,049