Thế giới

Chuyên gia Mỹ: 'Sự cố nhỏ có thể đẩy bán đảo Triều Tiên vào xung đột'

Giới quan sát Mỹ đánh giá căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên chưa hạ nhiệt, một sự cố nhỏ cũng có thể khiến nó bùng phát.

chuyen-gia-my-su-co-nho-co-the-dy-ban-dao-trieu-tien-vao-xung-dot

Triều Tiên tuyên bố sẽ thử tên lửa hàng tuần. Ảnh minh họa: AP

Trao đổi với VnExpress, Giáo sư Lee Sung Yoon, Đại học Tufts, Mỹ, nhắc đến sự kiện năm 1993, khi Tổng thống Mỹ lúc đó là Bill Clinton thực hiện cuộc khảo sát kéo dài nhiều tháng về việc có tấn công lò phản ứng hạt nhân chính của Triều Tiên ở Yongbyo hay không. Washington xác định khả năng Bình Nhưỡng trả đũa và xảy ra chiến tranh là rất lớn, là cái giá quá cao đối với cả Mỹ và Hàn Quốc.

"Tình hình hiện nay cũng không khác", ông Lee đánh giá và "kiềm chế chắc chắn là khả năng lớn nhất" chính quyền Trump theo đuổi.

Nhưng Giáo sư Lee cảnh báo khả năng Mỹ và Triều Tiên có tính toán sai lầm vẫn có thể xảy ra, khi hai bên không ngần ngại công bố những phát ngôn hăm dọa và phô trương sức mạnh quân sự.

Sau khi tổ chức lễ duyệt binh quân sự lớn chưa từng có, Han Song-ryol, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên khẳng định Bình Nhưỡng sẽ thực hiện thêm nhiều cuộc thử tên lửa trên cơ sở hàng tuần, hàng tháng và hàng năm.

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence hôm nay tái cảnh báo Triều Tiên khi phát biểu trước 2.500 thủy thủ trên tàu sân bay USS Ronald Reagan tại căn cứ hải quân Yokosuka, Nhật Bản. Ông Pence nhấn mạnh "những bên muốn thử thách sự sẵn sàng hay quyết tâm của Mỹ nên biết Washington sẽ đánh bại mọi cuộc tấn công". 

"Quân đội Mỹ luôn tìm kiếm hòa bình nhưng dưới thời Tổng thống Donald Trump, tấm khiên để phòng vệ còn thanh gươm luôn sẵn sàng", ông tuyên bố.

Trong khi đó, các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết tàu sân bay USS Carl Vinson sẽ đến gần bán đảo Triều Tiên vào cuối tháng này.

Bày tỏ đồng tình với Giáo sư Lee, Tiến sĩ Robert Litwak, Trung tâm nghiên cứu Woodrow Wilson, Mỹ, nhận định nguy cơ lớn nhất đối với xung đột quân sự giữa Triều Tiên và Mỹ xuất hiện từ sự tính toán sai.

"Một sự cố nhỏ hay có hiểu lầm nào đó cũng có thể dễ dàng leo thang thành xung đột lớn hơn", ông Litwak cảnh báo.

Mặc dù vậy, ông Lee lưu ý trên thực tế, bán đảo Triều Tiên vẫn duy trì được hòa bình suốt từ sau Chiến tranh hồi năm 1953, bất chấp vô số các cuộc tấn công có giới hạn của Triều Tiên. Điều đó gợi ý là những cái đầu lạnh sẽ thắng thế và nguy cơ chiến tranh có thể được đẩy lui.

Dự báo về phản ứng của Trung Quốc nếu căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên leo thang thành xung đột quân sự, Giáo sư Lee tin rằng Bắc Kinh sẽ không "động thủ". Nguyên nhân là những động cơ của Trung Quốc từng theo đuổi trong Chiến tranh Triều Tiên hồi năm 1953 không còn tồn tại. Theo ông Lee, hiện nay Trung Quốc trở nên bớt chú trọng đến ý thức hệ hơn, trở nên giàu có hơn.

Chuyên gia này lưu ý thêm rằng Bắc Kinh hiện có mối quan hệ phức tạp và có lợi đôi bên với Washington, trong khi hai nước thời 1950 còn không có liên lạc trực tiếp.

Tiến sĩ Litwak đánh giá nếu xảy ra xung đột, tình hình nội bộ Triều Tiên sẽ hỗn loạn và gây nên làn sóng di cư sang Trung Quốc. 

"Có thể hiểu rằng Trung Quốc sẽ mất quá nhiều trong cuộc chiến chống lại Mỹ và Hàn Quốc. Khả năng Triều Tiên sụp đổ và hình thành một Hàn Quốc thống nhất không phải là nguy cơ thực sự trong dài hạn", ông Lee nói.

Việt Anh

VNExpress

Triều Tiên, Mỹ, căng thẳng, xung đột quân sự, Trung Quốc


© 2021 FAP
  3,387,535       7/1,079