Thế giới

Sự cố khiến tàu ngầm Nga xé rách bụng tàu ngầm hạt nhân Mỹ

Những hạn chế về công nghệ thủy âm khiến hai chiếc tàu ngầm hạt nhân Nga và Mỹ không thể phát hiện ra nhau ở vùng biển nông nên đâm vào nhau.

su-co-khien-tau-ngam-nga-xe-rach-bung-tau-ngam-hat-nhan-my

Tháp chỉ huy của Kostroma sau vụ va chạm. Ảnh: Reddit.

Ngày 11/1/1992, hai tháng sau khi Liên Xô tan rã, Hải quân Mỹ muốn giám sát chặt chẽ Hải quân Nga nên đã huy động tàu ngầm hạt nhân USS Baton Rouge thực hiện hoạt động gián điệp bí mật ở vùng biển nông ngoài khơi đảo Kildin, cách quân cảng Murmansk của Nga hơn 22 km, theo National Interest.

Lúc 8h16, tàu USS Baton Rouge bất ngờ bị va chạm mạnh từ phía dưới, khiến bụng tàu bị rách toạc một đường dài, bể nước dằn xuất hiện nhiều vết nứt. USS Beton Rouge không mang theo vũ khí hạt nhân, nhưng cú va chạm mạnh có nguy cơ làm thủng lò phản ứng hạt nhân trên tàu, gây nhiễm xạ nặng cho vùng biển xung quanh.

Các thủy thủ Mỹ trên tàu ngầm không thể ngờ được rằng vật thể va chạm với họ lại là B-276 Kostroma, một tàu ngầm tấn công hạt nhân Đề án 945 Barrakuda có kích thước khổng lồ của Nga.

Trước lúc va chạm, chiếc Kostroma đang trong quá trình nổi lên từ phía dưới tàu ngầm Mỹ với tốc độ hành trình gần 13 km/h. Tháp chỉ huy của tàu Nga đâm vào bụng tàu ngầm Mỹ, khiến khu vực này bị vỡ nát một phần. Nhiều mảnh vỏ cách âm của tàu ngầm Mỹ găm đầy trên vỏ tháp chỉ huy của Kostroma.

May mắn là một thảm họa hạt nhân đã không xảy ra, khi lò phản ứng trên cả hai tàu ngầm đều không bị hư hại sau va chạm. Tàu ngầm Mỹ lượn vòng quanh và phát tín hiệu liên lạc với tàu ngầm Nga để đảm bảo không có sự cố nghiêm trọng xảy ra, sau đó hai tàu quay về cảng để sửa chữa.

Dù USS Baton Rouge mới chỉ hoạt động 17 năm, chi phí sửa chữa dự tính sau tai nạn quá lớn buộc Mỹ đã loại biên tàu này vào tháng 1/1995. Về phần mình, tàu ngầm Kostroma được đại tu và ra khơi năm 1997, phục vụ trong biên chế Hải quân Nga cho đến ngày nay. Các thủy thủ Nga đã sơn dấu hiệu lên tháp chỉ huy tàu để đánh dấu việc "đánh bại" tàu USS Baton Rouge.

Vụ tai nạn này gây ra sự cố ngoại giao đầu tiên giữa Mỹ và Nga từ sau khi Liên Xô tan rã. Ngoại trưởng Mỹ James Baker phải gặp riêng Tổng thống Nga Boris Yeltsin để trấn an rằng Mỹ sẽ không tiến hành thêm các hoạt động do thám ở vùng biển gần Nga.

Nguyên nhân va chạm

Các chuyên gia quân sự cho rằng vụ va chạm giữa USS Baton Rouge và tàu Kostroma cho thấy những điểm hạn chế trong công nghệ thủy âm được các kíp tàu ngầm sử dụng để phát hiện mục tiêu và tránh các trường hợp đâm nhau. 

Chuyên gia Sebastien Roblin cho rằng trong vùng biển nông, độ nhiễu nền đến từ các hoạt động trên mặt đất tăng gấp 10 lần, khiến việc phát hiện ra tín hiệu âm thanh của một tàu ngầm là điều rất khó. Ngay cả khi bắt được tín hiệu, các sóng âm này rất khó phân biệt trên nền nhiễu âm dày đặc.

Nhà phân tích Eugene Miasnikov ước tính tầm trinh sát của hệ thống định vị thủy âm (sonar) thụ động trên tàu ngầm Kostroma trong môi trường như vậy chỉ khoảng 100-200 m, thậm chí ngắn hơn nếu thời tiết xấu. Tàu ngầm Nga khó có thể phát hiện USS Baton Rouge nếu tiếp cận ở góc 60 độ từ bên dưới.

su-co-khien-tau-ngam-nga-xe-rach-bung-tau-ngam-hat-nhan-my-1

USS Baton Rouge trong một chuyến thử nghiệm. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Tàu ngầm Nga ít có cơ hội phát hiện USS Baton Rouge có độ ồn thấp hơn. Các thiết bị cảm biến chống ngầm của Kostroma có tầm hoạt động chỉ 3-5 km trong điều kiện như vậy, chưa đủ để xác định vị trí đối phương. Việc triển khai sonar kéo sau để tăng tầm trinh sát là không khả thi tại vùng biển nông, nên nó không được sử dụng.

Hệ thống sonar chủ động có thể giúp kíp tàu ngầm phát hiện mục tiêu ở khoảng cách xa hơn, nhưng cũng dễ dàng bộc lộ vị trí của mình trước đối phương. USS Baton Rouge không sử dụng sonar chủ động trong quá trình do thám để đảm bảo bí mật, nên nó cũng không phát hiện được tàu Kostroma. Bản thân tàu ngầm Nga cũng không bật radar chủ động, khiến tàu Mỹ không có cách nào thu tín hiệu từ đối phương. Kết quả là hai tàu gần như không "nhìn" thấy nhau dù ở khoảng cách rất gần, khiến va chạm xảy ra.

Điều đó giải thích lý do các tàu ngầm kích cỡ lớn không thể phát hiện đối phương, ngay cả khi ở khoảng cách rất gần, cho tới khi đâm vào nhau. Vụ va chạm giữa tàu ngầm hạt nhân Triomphant của Pháp và Vanguard của Anh vào năm 2009 cho thấy nguy cơ này vẫn hiện hữu, ngay cả với các khí tại hiện đại ngày nay.

Duy Sơn

VNExpress

tàu ngầm, nguyên tử, hạt nhân, va chạm, Mỹ, Nga


© 2021 FAP
  3,503,470       4/922