Thế giới

Việt Nam kêu gọi APEC nắm bắt các cơ hội hiện có của TPP

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh những hướng ưu tiên mà các nước thuộc Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cần nắm giữ trước những biến đổi trên thế giới.

viet-nam-keu-goi-apec-nam-bat-cac-co-hoi-hien-co-cua-tpp

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu trong khai mạc ISOM sáng nay. Ảnh: Thành Trung

"Chúng ta phải nắm bắt các cơ hội của các thảo luận khu vực đang có và đang tiến hành như là Cộng đồng ASEAN, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RECP) và Hiệp định tự do thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) để đạt được các mục tiêu của mình", Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia APEC 2017, nêu rõ trong phát biểu khai mạc Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp APEC (ISOM) sáng nay tại Hà Nội.

Theo Phó thủ tướng, đang có những quan ngại sâu sắc về sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ. Thành quả của toàn cầu hoá không được phân chia đồng đều giữa các khu vực, các nền kinh tế và các cộng đồng. Hơn thế, thế giới hiện nay đang có thay đổi liên tục, nhiều khu vực đang trải qua sự chuyển đổi phức tạp. Những bất ổn và các thách thức đang gia tăng và trở nên đa chiều kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Từ đó, Phó thủ tướng bày tỏ mong muốn đại diện các nước có thể đưa ra các ý tưởng để đưa ra các hướng ưu tiên mới cho năm tới. Các nước cần xây dựng dựa trên những kết quả đạt được ở Peru, nước chủ tịch APEC 2016 và thành tựu của những năm trước, để thúc đẩy những nỗ lực của mình, đặc biệt trong việc hoàn thiện các chiến lược của APEC về tăng trưởng chất lượng, kết nối, cải cách cấu trúc, cạnh tranh các dịch vụ và chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Diễn ra trong hai ngày 8-9/12, ISOM là sự kiện đầu tiên trong chuỗi sự kiện của năm APEC 2017 do Việt Nam đăng cai. Hội nghị SOM chính thức sẽ diễn ra vào tháng 2/2017 với khoảng 400 – 450 đại biểu, học giả quốc tế tham dự.

Việt Anh

VNExpress

TPP, APEC, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh


© 2021 FAP
  3,526,438       2/1,033